Công nghệ của Bosch có khả năng kết nối những căn hộ với thành phố. Thành phố thông minh không chỉ giúp cải thiện chất lượng sống của cư dân mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chính vì vậy, Bosch mong muốn có thể kết nối để các thành phố trở nên ngày càng thông minh hơn qua việc tập trung phát triển vào phương tiện di chuyển (mobility), cơ sở hạ tầng, năng lượng và an ninh.
Việc kết nối các phương tiện vận chuyển như tàu điện, xe buýt và chia sẻ ôtô (car sharing) hoặc quản lý các tín hiệu giao thông và hệ thống đèn trong thành phố sẽ mang lại cho người dân một cuộc sống tốt đẹp, thuận tiện, an toàn và tiết kiệm tài nguyên.
Xu hướng thành phố thông minh đang trở nên phát triển tại Việt Nam. Bosch đã công bố khoản đầu tư trị giá 450.000 USD để thiết lập một phòng nghiên cứu mới tại trung tâm nghiên cứu và phát triển phần mềm và các giải pháp doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh như một phần của kế hoạch phát triển các thành phố thông minh.
Bosch có 1.700 cộng sự đang làm việc tại hai Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) đặt tại TP. Hồ Chí Minh: Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Công nghệ Ôtô và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ và các Giải pháp Doanh nghiệp (Công ty TNHH Robert Bosch Engineering & Business Solutions Việt Nam). Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng hơn 15% mỗi năm, đạt 2.600 cộng sự vào năm 2020.
Theo ông Guru Mallikarjuna, Tổng giám đốc Bosch Việt Nam, trong những năm gần đây, Bosch luôn chú trọng phát triển chuyên môn về phần mềm, giải pháp doanh nghiệp và nâng cao năng lực sáng tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực kết nối để cung cấp thêm các giải pháp chuyên biệt cho thị trường Việt Nam.
“Về lâu dài, thông qua Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ và các Giải pháp Doanh nghiệp, chúng tôi định hướng xây dựng TP. Hồ Chí Minh thành một trong những trung tâm cung cấp giải pháp Internet vạn vật (IoT) cho Bosch ở khu vực Đông Nam Á”, ông Guru nói.
Theo ông Guru, hiện có 30 chuyên gia đang làm việc tại phòng nghiên cứu mới nhằm phát triển và thử nghiệm các giải pháp khác nhau như: Hệ thống giám sát năng lượng (NILM), Hệ thống quản lý giao thông thông minh (ITM), Hệ thống Quản lý bãi đỗ xe thông minh (IPM) và nhiều giải pháp kết nối khác.
Ví dụ như Hệ thống quản lý bãi đỗ xe thông minh sẽ giúp các thành phố thông minh và các phương tiện giao thông được kết nối nhằm tìm vị trí đỗ xe còn trống. Trong tương lai, mọi người chỉ cần nhấn nút là xe có thể tự động được lái vào nhà xe. Tài xế chạm vào các ứng dụng liên quan là xe có thể vào và ra bãi gửi xe một các tự động.
Tại Việt Nam, Bosch triển khai thành công Hệ thống xe máy điện tích hợp. Hệ thống tích hợp dành cho xe máy điện có thể kết nối tới Cloud Server để tra cứu thông tin và kiểm tra hoạt động của xe. Đồng thời, giao diện hiển thị còn cung cấp cho người sử dụng những thông tin hữu ích về tình trạng của hệ thống và phương tiện như nhiệt độ ngoài trời, tốc độ xe và dung lượng pin.
Hay một công nghệ khác là Hệ thống lưới điện siêu nhỏ Đông Nam Á (BIMA) sẽ cung cấp phần cứng và phần mềm cho giải pháp lưới điện siêu nhỏ mà trong đó nhiều nguồn năng lượng có thể được tích hợp (năng lượng mặt trời, pin, máy phát điện diesel) nhằm cung cấp một nguồn năng lượng ổn định với chi phí hợp lý. Những điểm đặc biệt trong hệ thống này bao gồm khả năng dự báo cắt điện dựa trên những thuật toán dành cho quy trình sản xuất năng lượng diesel tiết kiệm cũng như việc kiểm soát và truyền tải năng lượng một cách linh hoạt trên hệ thống điện toán đám mây.
Đối với những tòa nhà kết nối, giải pháp định vị cứu hộ không dây của Bosch (Bosch Security Escort) giúp nhận diện và định vị người và tài sản trong phạm vi của hệ thống.
Những sáng kiến trên của Bosch thể hiện cam kết lâu dài tại thị trường Việt Nam cũng như những nỗ lực của tập đoàn này trong việc đóng góp vào việc xây dựng các thành phố thông minh. Bosch cho biết, tập đoàn sẽ cung cấp thêm nhiều giải pháp để đáp ứng nhu cầu và xu hướng xây dựng những thành phố thông minh tại Việt Nam.