Tân Cảng - Cái Cui giai đoạn I có diện tích hơn 7 ha, chiều dài cầu tàu 180m, mớn nước trước bến âm 8,5m, có thể tiếp nhận tàu trọng tải 20.000 tấn với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng do SNP cùng Tổng Công ty phân bón và hóa chất dầu khí – PVFCo hợp tác đầu tư khai thác.
Nghi thức cắt băng khai trương Tân cảng Cái Cui. |
Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá Ngô Quang Chung, Bí thư Đảng Ủy, Phó Tổng giám đốc SNP cho biết: Với chủ trương “Mang cảng đến với khách hàng”, từ năm 2010, TCT Tân Cảng Sài Gòn đã đầu tư, quản lý và khai thác hệ thống 07 cảng nội địa và cơ sở logistics tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long như Tân Cảng Cao Lãnh, Tân Cảng Sa Đéc (Đồng Tháp), Tân Cảng Mỹ Thới (An Giang), Tân Cảng Giao Long (Bến Tre) và Tân Cảng Thốt Nốt, Tân Cảng Trà Nóc, Tân Cảng Cái Cui (Cần Thơ).
Tân Cảng Cái Cui là cảng container chuyên dụng được trang bị các phương tiện xếp dỡ hiện đại cho hàng container và các loại hàng rời với 6000 m2 kho đáp ứng tốt nhu cầu của các hãng tàu và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Bốc xếp hàng tại Tân cảng Cái Cui. |
Trước đó, ngày 24/10/2016, tàu container Tân Cảng Pioneer V1631S tàu có chiều dài hơn 118 mét, sức chở 610 TEU, tổng trọng tải hơn 7.000 tấn của Công ty Cổ phần Vận Tải Biển Tân Cảng (Tân Cảng Shipping), thành viên của SNP là chiếc tàu trọng tải lớn đầu tiên đi qua luồng Quan Chánh Bố cập cảng Tân Cảng - Cái Cui.
Việc đón tàu container tại cảng Tân Cảng – Cái Cui là sự kiện được các hãng tàu quốc tế chú ý, một số hãng tàu đang nghiên cứu tuyến dịch vụ kết nối trực tiếp từ Tân Cảng Cái Cui đi Singapore. Đây là dấu hiệu đáng mừng không chỉ là tính kết nối giữa ĐBSCL với các vùng kinh tế trọng điểm khác trong cả nước, mà còn là kết nối với các nước trong khu vực Châu Á, ông Chung nhấn mạnh.
Theo bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ: vùng ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp với sản lượng xuất nhập khẩu hàng hóa mỗi năm lên đến hàng chục triệu tấn nhưng do luồng bị tắc không thể vận chuyển bằng đường thủy mà phải đi bằng đường bộ với chi phí cao và gây áp lực quá tải cho đường bộ. Sự kiện Tân cảng khai trương cảng chuyên dụng vận chuyển hàng hóa container bằng đường thủy đánh dấu bước ngoặc quan trọng, một sự kiện mà người dân khu vực ĐBSCL đã chờ đợi hơn 40 năm nay: nút thắc về vận tải đường thủy cho cà khu vực được tháo gỡ, góp phần vực dậy tiềm năng phát triển kinh tế cho cả vùng.
Ông Võ Minh Tiến, Giám đốc cảng vụ Hàng hải Cần Thơ cho biết: từ khi công bố thông luồng kỹ thuật đến nay kênh Quan Chánh Bố đã đón 22 lượt tàu trọng tải lớn, trong đó có 6 lượt tàu Pioneer V1631S của SNP. Hiện nay luồng Quan Chánh Bố đã đạt độ sâu kỹ thuật âm 6,5 m và đang được tiếp tục nạo vét để đạt độ sâu âm 8m sẵn sàng tiếp nhập tàu đầy tải 10.000DWT và 20.000 DWT giảm tải. Đồng thời Ban quản lý dự án cũng tiến hành song song giai đoạn làm kè chống sạt lỡ và xây dựng các ga tránh tàu để khai thác luồng 2 chiều, dự kiến trong tháng 12/2016 sẽ công bố chính thức luồng đạt độ sâu âm 8m, ông Tiến thông tin thêm.