Điểm kết nối chính để bước vào thị trường Trung Quốc
Quan hệ thương mại - đầu tư với đối tác Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Với sự hỗ trợ của nhiều thỏa thuận, cam kết quan trọng đã có giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) năm 2004 đã giúp tổng kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng, đạt gần 70 tỷ USD năm 2016. Mặc dù vậy, lợi ích mà các doanh nghiệp thu được từ các thỏa thuận này còn rất hạn chế khi chưa đầy 1/3 lượng hàng hóa Việt Nam xuất đi Trung Quốc tận dụng được các ưu đãi thuế quan của ACFTA.
. |
Ngày 21/11/2017, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hồng Kông (AHKFTA) chính thức ký kết, mở ra con đường ưu tiên cho hàng hóa Việt Nam vào khu vực kinh tế đặc biệt này của Trung Quốc. Trước đó, năm 2016, Nghị định thư sửa đổi ACFTA cũng đã có hiệu lực với mục tiêu chính là nâng cấp các quy định về quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi thương mại để nâng cao khả năng tận dụng ACFTA. Dự kiến, AHKFTA có hiệu lực sớm nhất từ ngày 1/1/2019. Các doanh nghiệp Việt Nam một lần nữa được đặt trước cơ hội lớn để gia tăng thương mại và hưởng lợi trong kinh doanh với thị trường Trung Quốc.
Làm sao để doanh nghiệp hưởng lợi từ hiệp định này vẫn là câu hỏi lớn, vì doanh nghiệp Việt Nam còn chưa hiểu hết tác động của nó. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) nhận định, thực chất những hiệp định này không mang lại nhiều cơ hội về thuế quan hay điều kiện đầu tư, nhưng đã tạo thêm thuận lợi giúp Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang Hồng Kông, vốn là điểm kết nối quan trọng để bước vào thị trường Trung Quốc.
Để doanh nghiệp hết loay hoay với AHKFTA
Bà Bùi Kim Thùy, Phó trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đã có những gợi mở giúp doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt các giải pháp kỹ thuật để tận dụng ưu đãi từ ACFTA và AHKFTA.
Theo bà Thùy, doanh nghiệp Việt Nam cần xác định rõ ràng mã HS (mã số hàng hóa), hàng hóa sản xuất cần đáp ứng quy tắc xuất xứ, có C/O ưu đãi tự chứng nhận xuất xứ cho sản phẩm được sản xuất/sở hữu bởi cá nhân/doanh nghiệp, tối ưu hóa lợi ích từ ưu đãi thuế quan FTA, kích thích việc tìm kiếm nguyên phụ liệu và sản xuất tại các nền kinh tế thành viên FTA.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, muốn được hưởng lợi, các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu để nắm được thông tin về các cơ hội và lợi ích từ những hiệp định này. Đặc biệt, để có thể cạnh tranh được với hàng hóa Trung Quốc hay của Hồng Kông, doanh nghiệp phải tìm ra được lợi thế cạnh tranh của mình so với họ.
Ông Bùi Văn Thành, Hội đồng Khoa học pháp lý, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã cảnh báo một số rủi ro và biện pháp phòng ngừa khi làm ăn với đối tác Trung Quốc. Theo ông Thành, các doanh nghiệp phải xác minh, kiểm tra kỹ thông tin về đối tác. Đồng thời, doanh nghiệp Việt phải thường xuyên kiểm tra quá trình thực hiện quyền của các bên trong hợp đồng để buộc bên liên quan phải thực hiện đúng trình tự chấp thuận, đảm bảo hiệu lực hợp đồng về hình thức.