Khi Đông Nam Á trở thành “cứ điểm” sản xuất
Một thông tin thú vị vừa được Chủ tịch Amcham Micheal Kelly nhắc đến tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), diễn ra hôm qua (4/12) tại Hà Nội. Đó là căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc “đã làm nổi bật rủi ro của các cơ sở sản xuất tập trung ở một quốc gia đơn lẻ và đang kích hoạt việc tái tổ chức chuỗi cung ứng”.
Đã có 14,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào lĩnh vực chế biến, chế tạo ở Việt Nam trong 11 tháng qua. Trong ảnh: Nhà máy Piaggio tại Vĩnh Phúc |
Thông tin từ ông Michael Kelly cũng cho biết, một cuộc khảo sát gần đây của AmCham tới các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc cho thấy, một phần ba đã di dời hoặc đang cân nhắc di chuyển một số cơ sở sản xuất của họ ra nước ngoài trong bối cảnh căng thẳng thương mại. Trong khi đó, một cuộc khảo sát riêng biệt của các công ty nước ngoài từ các quốc gia khác cho thấy, một nửa đang cân nhắc việc di dời và Đông Nam Á là lựa chọn hàng đầu của họ.
“Trung Quốc vẫn sẽ là một thành viên quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng, các công ty và các nhà cung cấp đã di chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam đang có được lợi ích từ một số doanh nghiệp đó”, ông Michael Kelly nói.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên câu chuyện này được nhắc tới. Ngay khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra và ngay cả hiện nay, khi tình hình có vẻ “êm dịu” hơn, thì các chuyên gia kinh tế cũng đã nhắc nhiều đến cơ hội của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh điều này. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư nước ngoài vào Đông Nam Á đang bùng nổ trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng.
“ASEAN đang trở thành nơi để các doanh nghiệp đặt cơ sở sản xuất khi rời khỏi Trung Quốc nhằm tránh thuế”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định và viện dẫn con số 7,6 tỷ USD vốn FDI mà Thái Lan thu hút được trong 7 tháng đầu năm nay, tăng 53% so với cùng kỳ để chứng minh điều đó.
Điều đáng chú ý là, dòng tiền đầu tư cho sản xuất đã tăng gấp 5 lần. Trong khi đó, tại Philippines, vốn FDI vào sản xuất tăng lên 861 triệu USD so với mức 144 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.
Còn ở Việt Nam, 11 tháng qua, dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy vào lĩnh vực sản xuất, đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Đã có 14,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào lĩnh vực chế biến, chế tạo ở Việt Nam trong 11 tháng qua, chiếm 46,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đây là một con số ấn tượng. Tuy nhiên, cơ hội ở phía trước còn rất nhiều.
“Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Việt Nam có thể tận dụng triệt để cơ hội này nhằm tiếp tục giữ vững tốc độ kinh tế tăng trưởng kinh tế nhanh chóng”, ông Michael Kelly nói.
Trung Quốc đang tăng tốc đầu tư vào Việt Nam
Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định, nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng khá sâu sắc đến thương mại toàn cầu, thì cuộc chiến này cũng ảnh hưởng không kém đến sự dịch chuyển của dòng vốn FDI. Lý do là, cả Trung Quốc và Mỹ đều là những nhà đầu tư, nhà sản xuất có ảnh hưởng lớn trên thế giới.
“Việc Mỹ áp thuế với Trung Quốc có thể dẫn tới xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang các quốc gia ổn định hơn. Với ưu thế về vị trí địa lý, chính sách, Việt Nam có thể sẽ là ưu tiên khi Trung Quốc chuyển hướng đầu tư”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Thực tế, không hẳn chỉ vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, mà còn do sự chuyển hướng sản xuất của Trung Quốc, nên thời gian gần đây, Trung Quốc đầu tư khá lớn ra bên ngoài, trong đó có Việt Nam. 11 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam trên 1,8 tỷ USD, trong đó có 503 triệu USD là đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần, phần còn lại là đầu tư trực tiếp. Trung Quốc thậm chí đã vươn lên hàng thứ 5 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam kể từ đầu năm tới nay, một thứ hạng mà lâu nay Trung Quốc không có được.
1,8 tỷ USD rõ ràng là một con số rất đáng kể nếu so với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 13 tỷ USD mà Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam trong 30 năm qua. So sánh 2 con số để thấy, Trung Quốc đang thực sự tăng tốc đầu tư vào Việt Nam.
“Đây vừa là cơ hội, nhưng cũng vừa là thách thức đối với Việt Nam, bởi cùng với xu hướng chuyển dịch đầu tư nêu trên, Việt Nam cần có đối sách thận trọng trong việc cấp phép và kiểm soát đầu tư, đảm bảo có chọn lọc, tránh việc lợi dụng nhằm lẩn tránh thuế hoặc dẫn tới Việt Nam cũng bị áp thuế như đã xảy ra ở ngành thép, ảnh hưởng không chỉ tới các doanh nghiệp đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam, mà tới cả các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu khác của Việt Nam”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Vốn đầu tư từ Trung Quốc, lâu nay, vẫn luôn được dư luận đón nhận với sự e dè, nghi ngại. Lý do dễ hiểu, vì một số dự án từ Trung Quốc gây ô nhiễm môi trường, có công nghệ lạc hậu… Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Thành (Trường Fulbright Việt Nam), trong một cuộc thảo luận gần đây liên quan đến những tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đã nhấn mạnh chuyện có doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam theo dạng “giả vờ” để đưa hàng vào, lấy xuất xứ, sau đó xuất khẩu đi. Nhưng với Mỹ, kể cả trong trường hợp có chế biến, chế tạo nhưng không áp dụng công nghệ thì cũng bị coi là hàng chuyển tải và vẫn bị phía Mỹ áp thuế cao. Nếu như vậy, còn có nguy cơ ảnh hưởng đến cả một ngành sản xuất của Việt Nam, giống như ngành thép đã từng bị áp thuế rất cao.
Tận dụng cơ hội, nhưng vẫn cần tỉnh táo trong lựa chọn là vì thế!