Thời sự
Tận dụng ưu đãi từ FTA: Không có đáp án chung cho doanh nghiệp
Thế Hải - 08/12/2018 08:55
Nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã và sắp được đưa vào thực thi mở ra cơ hội thị trường rộng lớn, nhưng sẽ không có một đáp án chung cho các doanh nghiệp trong việc tận dụng ưu đãi từ các FTA này.

Thách thức sẽ đến trước

Tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2018, ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc điều hành Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) khẳng định, hội nhập kinh tế quốc tế là con đường tất yếu của các doanh nghiệp, nhưng sẽ không có một đáp án chung cho các doanh nghiệp Việt trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh, tham gia hội nhập để bán hàng ra thế giới và cả thị trường nội địa.

Doanh nghiệp cần chuẩn bị kịch bản chi tiết để ứng phó với biến động của kinh tế thế giới.

Vinamilk là doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam. Ngoài 13 nhà máy tại Việt Nam, Công ty còn có nhà máy tại Campuchia, New Zealand, Mỹ và 1 chi nhánh tại châu Âu, sản phẩm được xuất khẩu tới 43 thị trường trên thế giới. Vì vậy, tiến trình hội nhập quốc tế và thực hiện các FTA có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả sản xuất, kinh doanh của toàn Công ty.

“Hội nhập quốc tế và thực hiện các FTA thế hệ mới sẽ mang lại cho các doanh nghiệp Việt nhiều cơ hội tốt, nhưng cũng kèm theo nhiều thách thức không hề dễ chịu. Thách thức sẽ đến trước, sẽ thấy ngay, vì các doanh nghiệp đối thủ nước ngoài rất năng động, có đầy đủ nguồn lực về con người, tài chính, hệ thống quản trị rất tốt”, ông Dũng khẳng định.

Sau nhiều năm tham gia thị trường sữa, Vinamilk đúc kết, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, doanh nghiệp đều phải năng động, sáng tạo những sản phẩm đặc thù, đi con đường riêng thì mới tận dụng được cơ hội.

Theo ông Dũng, thách thức rất lớn đã đến với ngành sữa, bởi Việt Nam có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, không phù hợp chăn nuôi bò sữa. Giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh với các sản phẩm ngoại từ Australia, New Zealand. Bởi vậy, cơ hội với ngành sữa là có, nhưng không nhiều. Ngay cả con đường đưa sữa Việt Nam sang các nước ôn đới, phát triển không khác gì “đưa củi về rừng”, đòi hỏi doanh nghiệp phải có cách đi rất riêng biệt.

“Mỗi ngành nghề, doanh nghiệp đều có đặc thù riêng, doanh nghiệp phải chủ động tìm ra lời giải cho mình”, đại diện Vinamilk nhấn mạnh.

Cảnh giác với chủ nghĩa bảo hộ

Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh những năm gần đây với sự trỗi dậy của nhiều ngành hàng lớn như điện tử, dệt may, giày dép, thủy sản, rau quả, sắt thép… Đường đi của xuất khẩu còn nhiều cơ hội rộng mở, khi các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục chọn Việt Nam làm trung tâm sản xuất, bên cạnh đó, một loạt FTA bước vào giai đoạn thực thi.

Hội nhập sâu rộng đã góp phần nâng cao tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2018, ước đạt 475 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 239 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2017. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các thị trường đã ký kết FTA đạt khoảng 40%, tăng mạnh so với con số khoảng 35% của năm 2017.

 

Theo Bộ Công thương, Việt Nam đang triển khai thực hiện 16 FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ, ước tính CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tuy nhiên, hàng rào kỹ thuật mang hơi hướng bảo hộ ở các thị trường phát triển cũng đòi hỏi doanh nghiệp Việt không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh, thích ứng và đổi mới. 

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương đánh giá, tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm gia tăng làn sóng bảo hộ, ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.

Đơn cử, với sắt thép, trong các tháng 8 và 9/2018, ngành thép Việt Nam phải chịu áp lực kiện phòng vệ, chống bán phá giá từ 7 thị trường với 8 vụ việc. Do đó, ông Hải cho rằng, cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần cập nhật các kịch bản chi tiết để ứng phó với biến động kinh tế thế giới...

Nhìn dài hạn hơn, TS. Vũ Minh Khương (Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia, Singapore), thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường lớn tăng, nhưng doanh nghiệp hãy cẩn trọng, bởi sau cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, rất có thể, Mỹ sẽ “hỏi thăm” hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.

Theo TS. Khương, Trung Quốc là thị trường lớn, trong tương lai, đây chính là thị trường lý tưởng cho hàng hóa trong nước. Lưu ý các doanh nghiệp về chủ nghĩa bảo hộ thương mại, biện pháp kỹ thuật, bảo vệ lợi ích của mỗi quốc gia đã quay trở lại trong thời gian gần đây, TS. Khương đưa giải pháp: Việt Nam cần tham gia sân chơi thương mại, nhưng hãy chơi công bằng, đàng hoàng và minh bạch.

Tin liên quan
Tin khác