Chuyện làng, chuyện phố
Tân gia nhà có một giường!
Gia Huy - 19/02/2018 11:27
Thùy, anh bạn đồng hương mời tôi đến nhà ăn tân gia. Nghe qua điện thoại mà vẫn cảm nhận được cái giọng đầy náo nức của “trai quê” lần đầu tiên có cho mình một căn nhà ở phố.

1.

Trong nhóm bạn chơi từ ngày rời quê đi học đại học, Thùy là người may mắn bởi sau khi học xong, ra làm cho một công ty tư nhân về truyền thông mấy năm giờ đây anh đã thoát khỏi cảnh ở nhà thuê. Anh nói dự án mình mua là nhà ở giá rẻ được vay ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng từ hơn năm trước và diện tích cũng chỉ 45 m2. Căn nhà thiết kế chỉ có một giường ngủ nhưng với anh vậy là quá tốt, bởi đó là nhà mình.

Không phải ai vào Sài Gòn lập nghiệp cũng may mắn như Thùy, đơn giản vì với thu nhập bình quân chỉ khoảng trên dưới 10 triệu đồng/tháng, tiền ăn, nhà trọ và mỗi tháng một vài cái đám cưới, đám sinh nhật là “bay” nguyên tháng lương chứ chưa nói gì tới tiết kiệm.

Lấy vợ năm 2009, việc đầu tiên Thùy tính đó là tích cóp để mua được căn nhà ở. Và may cho anh là thời điểm anh nhà đúng vào lúc gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng giúp người có thu nhập thấp mua nhà chính thức được thực hiện.

Ngày tân gia, anh không mời nhiều, chỉ là mấy người bạn bè thân thích của hai vợ chồng tới chung vui. Căn nhà không rộng, kê được bộ bàn ghế, khu bếp, một nhà vệ sinh và một phòng ngủ. Vậy mà vợ chồng anh đã mãn nguyện lắm. Cô vợ cứ tíu ta tíu tít, mắt thì lấp lánh niềm vui, nói như vậy là quá tốt rồi, không dám đòi hỏi gì thêm bởi ở Sài Gòn cái gì cũng đắt đỏ. Để tích cóp được vài trăm triệu làm vốn đối ứng mua nhà, anh chị đã phải làm thêm nhiều việc bên ngoài sau giờ làm chính. Chị làm kế toán công ty, tối về nhận dọn vệ sinh tại nhà cho 2 gia đình ở gần đó, còn anh thì chạy xe ôm công nghệ kiếm thêm. Tằn tiện lại cốt để hàng tháng đủ sổ hụi đóng lãi cho ngân hàng.

Cũng sau từng đó năm lấy nhau, hai vợ chồng đã sinh được hai đứa con, nhưng vì hai vợ chồng đi làm tối ngày nên phải nhờ mẹ vợ từ quê vào chăm con hộ. Vì căn nhà chỉ có một giường, anh chị tính toán xếp đồ đạc, giường ngủ dành cho vợ và hai con cùng mẹ vợ ngủ, anh thì ngủ ngoài phòng khách, sáng kéo bộ bàn ghế ra, tối dọn vào để trải nệm ra ngủ.

Anh nói, như vậy cũng tốt hơn ở phòng trọ, bởi phòng trọ cũng chỉ có mỗi cái gác ngủ, bên dưới thì để xe cộ và nấu ăn. Nhà chỉ 45 m2 nhưng cũng có phòng ngủ, có phòng khách… bên dưới có công viên, siêu thị, khu vui trơi trẻ em, vậy là quá tốt rồi.

Tôi hỏi, vậy khi người thân ở quê vào thì ngủ đâu, anh gãi đầu nói chưa tính tới chuyện đó, nhưng chắc cũng vào giường nằm chứ ai lại để khách nằm ngoài phòng khách như mình…

2. 

Chuyện Thùy mua nhà là dù nhỏ nhưng vẫn là sự hãnh diện của vợ chồng anh vì có nhà ở Sài Gòn và anh chị cũng mãn nguyện với căn nhà nhỏ đó. Nhưng giờ đây, chắc sẽ không còn mấy ai may mắn được như anh chị bởi cơ quan quản lý vừa ra văn bản không đồng ý cho chủ đầu tư tại TP.HCM xây dựng nhà diện tích nhỏ nữa. Lý do chủ yếu là lo ngại chuyện quy hoạch bị phá vỡ, mật độ dân số sẽ tăng lên và nhiều chuyên gia cho rằng còn cả mối lo nhà ổ chuột trên cao…

Thật ra mối lo “nhà ổ chuột trên cao” từ nhiều chục năm trước cũng được nhiều quốc gia đặt ra. Tuy nhiên, người sinh ra thêm chứ đất chẳng đẻ thêm mét nào, nên những nước dù phát triển nhưng diện tích bình quân của chung cư cứ nhỏ dần. Đơn cử như diện tích trung bình của các căn hộ chung cư ở Singapore đang giảm dần và có rất nhiều bằng chứng về việc này. Ở Mỹ, diện tích trung bình của căn hộ mới cũng giảm 7% kể từ năm 2009, theo thống kê của RCLCO, tập đoàn tư vấn bất động sản ở bang Maryland. Trong giai đoạn 2000 - 2009, diện tích trung bình của một căn hộ ở Mỹ, nước vốn nổi tiếng với thói quen “nhà to, xe phân khối lớn”, là khoảng 91,8 m2. Nhưng diện tích trung bình các căn hộ mới xây trong vòng 6 - 7 năm trở lại đây chỉ còn 85 m2.

Trang 99.com chuyên về bất động sản kể rằng, anh Grayson Altenberg phải trả một số tiền khá lớn, tới 1.100 USD để thuê một căn hộ tí xíu ở khu Manhattan, New York. Lợi ích là căn hộ 9,2 m2 chỉ cách chỗ Grayson làm 5 phút đi xe. Còn lại là những bất tiện: anh phải ngủ bên cạnh toilet; “bàn ăn” của căn hộ chỉ là một chiếc khay nhỏ, mà điều buồn cười nằm ở chỗ Grayson là một đầu bếp chuyên nghiệp.

Nhưng chỗ ở của Grayson như thế vẫn còn rộng chán so với những căn hộ chỉ có 5 - 6 m2 ở Hồng Kông. Giá bất động sản ở đây thuộc hạng “chát chúa” nhất hành tinh, cao hơn mức giá ở New York tới 35%.

Để thích ứng với tình trạng khan hiếm đất ở đô thị, từ lâu tại các đô thị lớn của Nhật như Tokyo, chính quyền đã cho phép phát triển những chung cư mà trung bình diện tích chỉ 25 - 30m2, thậm chí là nhỏ hơn, trên dưới 10m2.

Thế nhưng, mang những căn hộ này so với những dãy nhà trọ lợp mái tôn tồi tàn hiện diện khắp các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội hay TP.HCM thì quả là khập khễnh, khác nào “bì phấn với vôi”. Tuy căn hộ của họ nhỏ nhưng được bố trí ngăn nắp, khoa học, đảm bảo tốt những nhu cầu tối thiểu về sinh hoạt của con người. Trong khi nhà trọ ở ta không theo tiêu chuẩn nào, và chỉ có thể gắn với các từ “nhếch nhác”, “tồi tàn”, “tạm bợ”.

Nhưng trong bối cảnh đó, cơ quan quản lý vẫn chưa cho phép các doanh nghiệp phát triển hệ thống chung cư dưới 45m2 với lý do chúng “làm tăng quy mô dân số và tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội của thành phố hiện đang bị quá tải, phá vỡ quy hoạch được duyệt, nguy cơ xuất hiện “nhà ổ chuột” trên cao”... 

Nhà ở và cơ hội việc làm là những nhu cầu tất yếu. Và cũng tất yếu khi người lao động các tỉnh đổ về TP.HCM thì phải tìm chỗ ở. Nếu không chấp nhận “những khu ổ chuột trên cao” (cho dù nó có phải là ổ chuột hay không còn phải bàn cãi) thì thực sự đã, đang và sẽ buộc phải chấp nhận những khu ổ chuột thực sự ở dưới đất, những dãy nhà trọ tồi tàn, nhếch nhác, thua xa những căn hộ được coi là có nguy cơ biến thành “ổ chuột trên cao”.

Và còn một lý do nữa, nếu xây dựng ở ven đô, ngoại thành, ở những nơi mật đô dân cư, giao thông thấp thì đâu có ảnh hưởng gì đến trật tự đô thị và an toàn xã hội? Trong khi đó, ở TP.HCM hiện nay dân số đã lên tới 13 triệu dân, trong đó mức thu nhập chính lại chỉ dưới 10 triệu đồng/tháng. Họ cần những căn nhà giá rẻ, diện tích nhỏ thay vì phải sống ở những căn phòng trọ chỉ 10m2…

Vì vậy, cần lắm những dự án làm nên nụ cười tươi rói của vợ chồng anh Thùy dù  nó chỉ là “căn hộ một giường ngủ”.

Tin liên quan
Tin khác