Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), hiện có 203 doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, với hơn 3,06 tỷ cổ phiếu đăng ký giao dịch, tương ứng với giá trị tính theo mệnh giá đạt hơn 30.600 tỷ đồng, vốn hóa đạt xấp xỉ 40.000 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, khối lượng giao dịch bình quân trên sàn UPCoM đạt xấp xỉ 2,6 triệu cổ phiếu/phiên, với giá trị giao dịch bình quân 40,7 tỷ đồng/phiên.
Trong số các doanh nghiệp đang giao dịch trên UPCoM, có 51 doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng trở lên, 94 doanh nghiệp có vốn từ 30 đến 120 tỷ đồng...
Căn cứ trên báo cáo kiểm toán 2014 thì có 169 doanh nghiệp trên UPCoM có lãi với tổng giá trị lãi trên 5.000 tỷ đồng; 110 doanh nghiệp có chỉ số lợi nhuận trên vốn (ROE) đạt trên mức 7%; 57 doanh nghiệp có chỉ số thu nhập trên cổ phiếu cao hơn 1.000 đồng; 60 doanh nghiệp trả cổ tức ở mức trên 6%.
Trong 6 tháng đầu năm, trên thị trường UPCoM có 14 doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký mới, với tổng giá trị đăng ký giao dịch mới đạt 3.600 tỷ đồng, trong đó có 7 doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 120 tỷ đồng.
Trong thời gian qua, thị trường UPCoM chưa được giới đầu tư chú ý nhiều bởi các cổ phiếu giao dịch trên UPCoM vẫn được nhiều người cho là sản phẩm “hạng hai”.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2015 đến nay, hình ảnh của sàn UPCoM đã thay đổi rõ rệt, quy mô giao dịch hiện tại tăng gấp 10 lần so với năm 2014. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt góp mặt trên sàn UPCoM.
Xét về quy mô, có những công ty có vốn hàng ngàn tỷ đồng đang giao dịch trên UPCoM như Công ty Gang thép Thái Nguyên (mã TIS, vốn điều lệ 2.840 tỷ đồng), Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Sài Đồng (mã SDI, vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng), Công ty cổ phần Chứng khoán Sacombank (mã SBS, vốn điều lệ 1.266 tỷ đồng), Công ty cổ phần Phát triển đô thị Nam Hà Nội (mã NHN, vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng).
Ngoài ra, trong danh sách cư dân sàn UPCoM còn không ít gương mặt có kết quả kinh doanh rất ấn tượng, trong đó có công ty đạt tỷ lệ lợi nhuận trên vốn tới trên 60%.
Chẳng hạn, hiện nay, quán quân về chỉ số ROE của sàn UPCoM thuộc về Công ty cổ phần Vitali (mã VTA), với ROE đạt 61%. Tiếp đến, nhiều doanh nghiệp khác cũng có ROE rất cao, như Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn (mã SNC) với ROE đạt 55%, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Sài Đồng (mã SDI) có ROE đạt 51%, Công ty cổ phần Xây dựng công trình 510 (mã NMK) có ROE đạt 40%, Công ty cổ phần Xi măng Yên Bình (mã VCX) có ROE đạt 36%...
Theo một số nhà quan sát, khi có biên độ lớn hơn so với sàn niêm yết thì UPCoM có những bản sắc khác biệt so với các sàn niêm yết. Lý do là, UPCoM được coi là thị trường cho các cổ phiếu chưa niêm yết, không có yêu cầu về lợi nhuận, trong khi yêu cầu về công bố thông tin cũng thấp hơn... Thông thường, rủi ro cao hơn thì lợi nhuận kỳ vọng cũng phải lớn hơn, nên việc nới biên độ của UPCoM sẽ đáp ứng được sở thích của nhóm nhà đầu tư thích cảm giác “dám chơi, dám chịu”.
Theo ông Nguyễn Anh Phong, Phó tổng giám đốc HNX, để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư dễ theo dõi, thời gian tới, HNX sẽ tiếp tục triển khai việc phân bảng thị trường UPCoM dựa trên các tiêu chí như quy mô vốn, kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, tình trạng tuân thủ nghĩa vụ công bố thông tin... Với việc phân loại này, mỗi nhà đầu tư có một khẩu vị riêng có thể dễ dàng lựa chọn những món ăn mà mình ưa thích.
Ông Phong cũng cho biết, về mặt thủ tục, việc đăng ký giao dịch trên UPCoM hiện nay rất đơn giảm, thời gian thực tế xử lý hồ sơ để chấp thuận đăng ký giao dịch chỉ mất 1 - 3 ngày, nhanh hơn khá nhiều so với quy định (3 – 5 ngày làm việc). Hồ sơ đăng ký giao dịch cũng chỉ cần 3 loại giấy tờ, giảm nhiều so với 5 loại giấy tờ như trước đây.