Từ cạnh tranh đến “thấu hiểu”
Buổi Toạ đàm với nội dung "Vì sao tăng cước 3G" do báo điện tử Infonet thực hiện sáng nay 17/10 nhận được rất nhiều quan tâm của độc giả cũng như giới truyền thông. Có một thực tế rất dễ nhận thấy là gần như tất cả câu hỏi gửi đến BTC đều thể hiện sự bất bình và bức xúc khi đồng loạt các doanh nghiệp lớn là VinaPhone, MobiFone và Viettel tăng giá cước 3G gói không giới hạn từ 50.000 đồng lên 70.000 đồng, tức tăng 40%.
Điều đáng nói 3 nhà mạng lớn này hiện đang thống lĩnh 93% thị phần trên thị trường viễn thông. Câu chuyện sẽ trở nên thú vị hơn nếu như thị trường viễn thông vẫn xuôi theo diễn biến như thường thấy, đó là các ông lớn chạy đua thu hút khách hàng bằng cách hạ giá cước dịch vụ, và tung nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Thậm chí cũng không khó để thấy không ít lần các nhà mạng dùng “chiêu” này khác nhằm tung hô dịch vụ, sản phẩm của mình để “hạ bệ” dịch vụ của đối thủ.
Tuy nhiên, dấu hiệu bất thường ở đây là 3 nhà mạng lớn dường như đang rất “thấu hiểu” nỗi khổ của nhau và cùng đồng loạt báo lỗ với dịch vụ 3G sau 4 năm triển khai và cùng gửi kiến nghị đề xuất lên Bộ TT&TT, Cục Viễn thông để xin được tăng giá cước dịch vụ dữ liệu. Và rồi, 3 đối thủ dường như đã trở thành “anh em” khi đều tuyên bố sẽ tăng cước dịch vụ 3G gói không giới hạn lên 70.000 đồng bắt đầu từ ngày 16/10.
Toạ đàm buổi giao lưu "Vì sao tăng cước 3G"
Có lẽ bất kỳ ai sử dụng dịch vụ viễn thông cũng đều phải đặt câu hỏi vì sao 3 nhà mạng lại "phối hợp" ăn ý với nhau đến vậy. Tại sao không phải là “ông” nào “yếu” thì cứ tăng giá đi, ông nào khoẻ sẽ vẫn tiếp tục cạnh tranh bằng mức giá hiện tại??? Đó mới gọi là thị trường cạnh tranh, và lúc này mới có thể khẳng định đâu là nhà mạng lớn.
Giải thích về việc vì sao cả VinaPhone, MobiFone và Viettel đều chọn ngày 16/10 để tăng giá, và vì sao lại cùng mọt mức giá cước là 70.000 đồng/tháng. Đại diện 3 nhà mạng đều cho biết vì đây là cơ chế tính cước theo chu kỳ đầu tháng và giữa tháng. Các nhà mạng này cho biết họ nhận được quyết định chấp thuận việc tăng giá từ Cục Viễn thông vào ngày 4/10, vì vậy ngày 16/10 là thời điểm gần nhất để áp dụng mức giá mới. Về mức cước cùng là 70.000 đồng/tháng là đã được tính toán dựa trên khả năng chi trả của khách hàng, và là mức cân đối để tiệm cận tới giá thành dịch vụ.
Ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Tổng Giám đốc Công ty MobiFone, cho biết: “Nếu tăng bằng giá thành và không theo lộ trình thì chắc chắn giá gói MIU sẽ cao hơn mức 70.000 đồng. Chúng tôi tăng theo lộ trình để đảm bảo mức hài hòa”.
Nếu có dấu hiệu bắt tay sẽ bị phạt 10% doanh thu
Tham gia buổi Toạ đàm với vai trò của cơ quan nhà nước, ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ TT&TT, một lần nữa khẳng định việc các nhà mạng tăng giá cước 3G là do thực hiện theo Thông tư 16 năm 2012 do Bộ TT&TT ban hành, yêu cầu DN phải báo cáo giá thành và phải bán dịch vụ trên mức giá thành.
Ông Trung nhấn mạnh: “Đối với doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế thì không được phép cung cấp dịch vụ dưới giá thành. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ, như Hanoi Telecom có thể cung cấp dịch vụ thấp hơn giá thành theo quy định cụ thể”.
Tuy nhiên, trước câu hỏi của độc giả và giới truyền thông đặt ra liệu có hay không việc 3 nhà mạng lớn cùng bắt tay tăng cước 3G để khống chế thị trường và vi phạm Luật cạnh tranh, ông Trần Anh Sơn, Phó Cục Trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công thương, cho biết: “Hiện tại Cục đang yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin có liên quan, và chỉ khi nhận được các thông tin và phân tích, trao đổi với Bộ TTTT thì chúng tôi mới có thể có ý kiến”.
Có thể thấy trong khi người tiêu dùng cảm thấy bức xúc và bất bình với việc tăng giá cước đột ngột của các nhà mạng thì cơ quan chức năng có vai trò bảo vệ người tiêu dùng và duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh lại chưa nắm rõ được tình hình và chưa thấu đáo về tâm tư của người tiêu dùng.
Tuy vậy, ông Sơn cho biết nếu có dấu hiệu các nhà mạng bắt tay nhau để đồng loạt tăng giá gây khó cho người dùng thì mức phạt cho hành vi này là 10% tổng doanh số của năm tài chính trước năm vi phạm. Đây là mức phạt lớn khi dựa vào doanh thu năm 2012 của nhà mạng Viettel là 24 nghìn tỷ đồng, và VNPT (VinaPhone và MobiFone) là 8.500 tỷ đồng.
Khôi Linh (Dân trí)