Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, tại Hội nghị gặp mặt, biểu dương chủ doanh nghiệp và các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy về “Tăng cường công tác xây dựng đảng và các đoàn thể Nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn TP. Hà nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020”, do Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 3/10.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong và Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo trao biểu trưng cho các doanh nghiệp tiêu biểu hực hiện hiệu quả Nghị quyết 09-NQ/TU. (Ảnh: Thanh Hải) |
Thành lập 1.736 tổ chức Đảng, 7.639 tổ chức công đoàn và đoàn thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước
Báo cáo đề dẫn tại hội nghị, Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Triệu Thị Ngọc cho biết, tính đến ngày 30/9/2023, TP. Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 23.518 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 235.286 tỷ đồng (tăng 4,7% về số lượng doanh nghiệp) nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn TP. Hà Nội lên 371.362 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, số lượng tổ chức Đảng còn ít, chưa tương xứng với số lượng doanh nghiệp và chất lượng của tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước còn hạn chế.
Từ khi ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU đến nay, toàn TP. Hà Nội đã thành lập được 1.736 tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Tổng số doanh nghiệp ngoài nhà nước có tổ chức Đảng tăng 3,5 lần so với trước khi ban hành Nghị quyết. Kết nạp 11.711 đảng viên, trong đó có 50 chủ doanh nghiệp tư nhân được kết nạp Đảng. Thành lập được 7.639 tổ chức công đoàn và đoàn thanh niên và kết nạp được 528.764 đoàn viên, hội viên tham gia vào các tổ chức đoàn thể.
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, chất lượng công tác xây dựng Đảng tại các tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước được nâng lên rõ rệt; vai trò, vị trí của tổ chức đảng từng bước được nâng cao.
Nhưng, một số cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô; có nơi chưa nắm rõ tình hình doanh nghiệp, không tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; công tác xây dựng đảng trong các tổ chức đảng ở doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngoài nhà nước còn nhiều hạn chế…
Ngay sau khi Nghị quyết 09-NQ/TU được ban hành, Ban chỉ đạo xây dựng Đảng và các đoàn thể Nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước TP. Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ chủ chốt của TP.
100% các quận/huyện/thị ủy, các đảng ủy khối trực thuộc Thành ủy, đảng ủy tổng công ty, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, các sở, ban, ngành có liên quan đã tổ chức quán triệt, phổ biến nghị quyết đến cán bộ, đảng viên trong toàn đảng bộ và các doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lí. 100% quận/huyện/thị ủy đã thành lập ban chỉ đạo và tổ công tác giúp việc ban chỉ đạo.
Bám sát sự chỉ đạo của TP. Hà Nội, các quận/huyện/thị ủy, các đảng ủy trực thuộc, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội và các sở, ngành TP. Hà Nội có liên quan tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy đảng trực thuộc, các đoàn thể chính trị xã hội trực thuộc cấp mình đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức phong phú.
Đến nay, đã có 30/30 quận/huyện thành lập được Đảng bộ khối doanh nghiệp. Nhiều Đảng bộ khối đã có những cách làm sáng tạo, linh hoạt trong việc tuyên truyền, vận động thành lập các tổ chức đảng trong doanh nghiệp cũng như kết nối các tổ chức đảng trong doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp tham gia hiệu quả các hoạt động an sinh xã hội.
Từ những văn bản chỉ đạo cụ thể của Thành ủy Hà Nội trong những năm qua, đặc biệt là việc tập trung thực hiện Kết luận số 67 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, 3 năm qua, việc thực hiện nghị quyết luôn hoàn thành và vượt các chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra.
Cụ thể, trước năm 2012, toàn TP chỉ có 700 tổ chức đảng với gần 20.000 đảng viên (chiếm chưa đến 1% tổng số doanh nghiệp đóng trên địa bàn Hà Nội).
Đến hết năm 2022, toàn TP đã có hơn 2.400 tổ chức đảng với gần 30.000 đảng viên (tăng gấp 3 lần số tổ chức đảng so với trước khi có Nghị quyết 09).
9 tháng đầu năm 2023, các cấp ủy đã thực hiện khảo sát 1.300 doanh nghiệp. Có 104 doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập tổ chức Đảng. Toàn TP đã thành lập được 90/69 tổ chức đảng (đạt 130,4%); kết nạp 578/453 đảng viên mới (đạt 127,6%). Thành lập 366/480 tổ chức đoàn thể với 27.409/24.320 đoàn viên, hội viên.
Cùng với đó, TP. Hà Nội đã thành lập được 228/300 tổ chức công đoàn (đạt 76%) với 22.542/20.000 đoàn viên (đạt 112,7%). Thành lập được 138/180 tổ chức đoàn thanh niên, hội liên hiệp thanh niên (đạt 76,7%) với 4.867/4.320 đoàn viên, hội viên đạt (112,7%)…
Đồng hành, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển tốt hơn
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, đến nay, hầu hết các chỉ tiêu công tác xây dựng Đảng của TP đều đạt và vượt cao. Điều này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Đảng, đặc biệt là 30 Đảng bộ khối các quận, huyện, thị xã.
Cho rằng việc thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU là việc mới, rất khó, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, để triển khai đòi hỏi phải quyết tâm cao, kiên trì, bền bỉ tìm giải pháp phù hợp thực tiễn để thực hiện.
Đến nay, sau 10 năm thực hiện, có thể khẳng định Nghị quyết 09-NQ/TU đã đúng, trúng và ở góc độ khác, đúng cả lý luận luận và phù hợp tình hình thực tiễn của Thủ đô.
Tuy nhiên, Phó Bí thư Thành ủy cũng thẳng thắn chỉ ra, so với số doanh nghiệp trên địa bàn thì con số các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước còn rất khiêm tốn. Do đó, việc thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước là rất cần thiết.
Thực tế cho thấy, doanh nghiệp ngoài nhà nước nào có tổ chức Đảng, tổ chức đoàn thể thì phát triển bền vững hơn, tạo được sự gắn kết giữa người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp.
Bày tỏ vui mừng khi trong buổi giao lưu có cả chủ doanh nghiệp là người nước ngoài, ông Nguyễn Văn Phong khẳng định, TP sẽ đồng hành và tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển tốt hơn và mong muốn các tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài nhà nước phát huy vai trò của mình.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các cấp ngành, đơn vị tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đánh giá, khảo sát, đặc biệt, tuyên truyền để các doanh nghiệp ngoài nhà nước hiểu lợi ích nếu thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp của mình.
“Để làm được điều này đòi hỏi phải bền bỉ, kiên trì, quyết tâm cao với cách làm phù hợp với thực tiễn, theo hướng ngày càng thực tế, hiệu quả, không hình thức mà vẫn phải giữ vững nguyên tắc, điều lệ của Đảng”, ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị, Ban Chỉ đạo TP và các quận, huyện cần đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung, trong đó, có hỗ trợ thiết thực, hiệu quả đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước có tổ chức Đảng, đoàn thể bởi đây là cách gắn kết thiết thực, hiệu quả nhất.
Đồng thời, tiếp tục xây dựng và thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp cấp ủy, Hội đồng quản trị, Ban lãnh đạo, Giám đốc có tổ chức Đảng, đoàn thể để “đúng vai, thuộc bài, không lấn sân, không đánh mất vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước”.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, TP đang thực hiện cùng lúc 3 nhiệm vụ quan trọng: điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; trình Quy hoạch Luật Thủ đô sửa đổi và xây dựng Quy hoạch Thủ đô, những nội dung này không chỉ liên quan đến sự phát triển trong giai đoạn trước mắt, ngắn hạn mà sẽ định hình cho Thủ đô phát triển lâu dài, đúng theo định hướng: Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.
Trong đó, có nhiều nội dung về phát triển kinh tế, chăm lo hỗ trợ người lao động. Do đó, ông Nguyễn Văn Phong đề nghị Đảng ủy Khối tranh thủ các ý kiến, đặt lợi ích của người lao động lên trên hết để đóng góp ý kiến vào các nội dung liên quan.
Ngoài ra, Phó Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu, từ cách làm của TP, các quận, huyện, 30 Đảng bộ khối tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại, động viên khen thưởng các doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp thực hiện hiệu quả Nghị quyết 09-NQ/TU ở cơ quan, đơn vị, địa phương.