Sau Đại hổi cổ đông lần đầu của Tổng công ty Thương mại Hà Nội – CTCP (Hapro) ngày 24/6/2018, hoạt động sản xuất kinh doanh của Hapro đã có những chuyển biến rõ nét nhất là trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu.
Những kết quả ban đầu đã đạt được thể hiện các định hướng phát triển kinh doanh của Hapro do HĐQT Tổng công ty cổ phần chỉ đạo, triển khai đã đi vào thực tế kinh doanh đặc biệt từ các hoạt động xúc tiến thương mại và tham dự Hội chợ về nông sản thực phẩm lớn tại nước ngoài.
Với định hướng được Chủ tịch Tập đoàn BRG kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phàn Hapro Madame Nguyễn Thị Nga nêu sau cổ phần hoá sẽ tiếp tục xây dựng và phát Hapro là một Tổng công ty xuất nhập khẩu và thương mại nội địa có năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, phát huy vai trò là một doanh nghiệp kinh tế, thương mại lớn, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội.
Theo Madame Nguyễn Thị Nga, trọng tâm phát triển của Hapro là đẩy mạnh và nâng cao kim ngạch xuất khẩu, đưa thương hiệu xuất khẩu Hapro trở thành thương hiệu quốc tế hàng đầu tại khu vực, bao trùm mọi hoạt động của Tổng công ty đồng thời xây dựng Hapro trở thành Công ty chủ lực của Tập đoàn trong lĩnh vực xuất khẩu, gắn thương hiệu xuất khẩu Hapro với thương hiệu BRG của Tập đoàn. Xây dựng thành công 5 mặt hàng xuất khẩu nằm trong top 5 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu cả nước gồm: Gạo, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, thủ công mỹ nghệ.
Để cụ thể hoá, Hapro đang triển khai một số nhiệm vụ cụ thể là phát triển kinh doanh xuất khẩu một cách bền vững theo hướng chủ động phát triển vùng nguyên liệu đối với những mặt hàng xuất khẩu chính gắn với xây dựng và phát triển một số nhà máy chế biến như đầu tư thêm 1 nhà máy chế biến gạo, xây dựng nhà máy chế biến tiêu sạch tại Bình Dương hay mở rộng nhà máy chế biến hạt điều tại Bình Phước… giúp Hapro có điều kiện để phát triển một số sản phẩm mang thương hiệu riêng xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống bán lẻ nước ngoài, gia tăng giá trị cho sản phẩm nông sản của Việt Nam.
Ngoài ra, Hapro đang đẩy mạnh phát triển các cơ sở vệ tinh, tăng cường khả năng phát triển nguồn hàng trong và ngoài nước, tạo kênh hàng hóa đa chiều nhất là đối với một số mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam. Phấn đấu đến năm 2020 tổng doanh thu của Hapro đạt khoảng 9.000 tỷ đồng (tăng 45% so với 2018) với 80% doanh thu đến từ kinh doanh xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD (tăng 66% so với năm 2018).
Mặt khác, trên cơ sở những định hướng lớn và mục tiêu cụ thể, Ban Điều hành Hapro đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp mang tính đột phá để nâng cao kim ngạch xuất khẩu, giữ vững thị trường nước ngoài. Cụ thể, Hapro đã tích cực tham gia các hội chợ nông sản, thực phẩm lớn, các hội nghị xúc tiến thương mại lớn trên thế giới về nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, các chương trình kết nối thông tin với các doanh nghiệp nước ngoài, củng cố các mối liên hệ với các đại sứ quán, cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại các nước và các cơ quan Thương vụ, Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam từ đó thúc đẩy việc đưa hàng hóa ra thị trường quốc tế và đây là giải pháp quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu...
Ngay sau cổ phần hoá, một số giải pháp xúc tiến thương mại được coi là đã có những bước “đột phá” Hapro áp dụng có hiệu quả như: Tích cực tham dự và có gian hàng hàng trưng bày sản phẩm, quảng bá thương hiệu nhằm nắm bắt xu thế của thị trường tại các hội chợ lớn trong nước và quốc tế tại một số thị trường trọng điểm như: Hội nghị Hạt & Quả khô Quốc tế INC, Hội chợ Worldfood Istabul (Thổ Nhĩ Kỳ), Hội nghị điều Quốc tế tổ chức tại (TP Hạ Long, Quảng Ninh); Hội nghị gạo Thế giới tổ chức (Hà Nội) hay như Hội chợ quốc tế công nghiệp thực phẩm SIAL (Pháp)...
Đặc biệt, đoàn công tác của Hapro đang tham dự Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc 2018 (CIIE 2018) diễn ra từ ngày 5 đến ngày 10/11/2018, do Bộ Thương mại Trung Quốc phối hợp với Ủy ban Thương mại Thượng Hải chủ trì tổ chức tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Hội chợ được tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 2018 và sẽ là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng của Chính phủ Trung Quốc, nhằm mục tiêu mở cửa thị trường ra thế giới, tạo cơ hội cho các quốc gia tiếp cận thị trường rộng lớn của Trung Quốc.
Hội chợ CIIE 2018 có quy mô trưng bày hơn 200.000 m2 và có hơn 100 quốc gia tham gia trưng bày, khoảng 150.000 khách hàng thương mại đến từ Trung Quốc và các nước trên thế giới tới giao dịch.
Tại Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần đầu này, Việt Nam đã tổ chức khu gian hàng quốc gia, cử 25 doanh nghiệp uy tín, thuộc nhóm doanh nghiệp xuất khẩu lớn của Việt Nam đối với nhóm hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến và dịch vụ thương mại tham dự.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Việt Nam thăm gian hàng Hapro – đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn BRG tại Hội chợ CIIE 2018 |
Sáng 5/11, tại Lễ khai mạc Hội chợ CIIE 2018, khu gian hàng Việt Nam đã vinh dự được tiếp đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Việt Nam tới thăm trong đó có gian hàng của Hapro – đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn BRG. Thủ tướng đã dành sự động viên khích lệ Hapro thời gian qua đã có kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản Việt sang thị trường nước ngoài nói chung trong đó có gạo - mặt hàng đóng vai trò xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Qua ngày đầu tiên tham dự Hội chợ, Hapro đã ký kết được một số hợp đồng xuất khẩu có giá trị. Dự kiến, hết kỳ Hội chợ, Hapro sẽ đón tiếp gần 200 khách hàng tới làm việc, giao dịch về các mặt hàng Hapro đã mang đến Hội chợ.
Việc tham dự Hội chợ này cũng là một trong những dịp Hapro tham gia sâu vào Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia và doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Thông qua chương trình Hội chợ, Hapro mong muốn đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản thực phẩm khác ngoài gạo như mặt hàng mẫu trưng bày tại gian hàng. Qua đó tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trunng Quốc của Tổng công ty từ 20 - 30% vào năm 2019.
Đoàn công tác của Hapro cùng tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc và Cục phó Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) tại Hội chợ CIIE 2018 |
Có thê nói, nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, trong đó phải kể đến những nỗ lực trong hoạt động xúc tiến thương mại; sau gần 4 tháng hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần, Hapro tiếp tục duy trì được nhịp độ phát triển trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Kim ngạch xuất khẩu 09 tháng đã đạt 89 triệu USD, bằng 120% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng doanh thu đạt 3.905 tỷ đồng, bằng 120% so với cùng kỳ năm 2017. Một số mặt hàng xuất khẩu tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao như: hạt điều đạt 62 triệu USD tăng 15%, gạo đạt gần 18 triệu USD tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017.
Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, với vai trò là một doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn BRG, Hapro sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản thực phẩm có thế mạnh của Việt Nam, chú trọng các sản phẩm hữu cơ, organic như gạo, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, các sản phẩm thực phẩm chế biến, một số loại hoa quả, rau như thanh long, chanh không hạt, vải, nhãn, bắp cải, ớt… vào các thị trường truyền thống và thị trường mới như Trung Quốc, Mỹ, Malaysia, Tây Á, một số nước châu Phi… để tiếp tục làm tốt vai trò quảng bá, giới thiệu thương hiệu xuất khẩu BRG Export thông qua việc triển khai đẩy mạnh xuất khẩu của thương hiệu Hapro Export.