Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế |
Xin Thứ trưởng cho biết những điểm nổi bật trong hoạt động thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước trong lĩnh vực y dược trong năm 2023? Thu hút đầu tư trong lĩnh vực y dược đã đạt kỳ vọng chưa, thưa Thứ trưởng?
Trong năm 2023, toàn ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước, trong đó tiếp tục đôn đốc các đơn vị, địa phương hoàn thiện thủ tục đầu tư và triển khai các dự án đầu tư hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng sử dụng nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục huy động và tranh thủ nguồn viện trợ của các tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ cho phát triển y tế.
Cũng trong năm 2023, Bộ Y tế đã được Quốc hội và Chính phủ thông qua các hình thức và hướng dẫn chi tiết các hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám chữa bệnh, trong đó khẳng định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được: vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; Thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, mua trả chậm, trả dần, thuê, mượn thiết bị y tế; tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và dự kiến trong năm 2024, Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư Hướng dẫn một số nội dung trong hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) thuộc lĩnh vực y tế.
Luật Khám chữa bệnh có hiệu lực từ 01/01/2024 và Nghị định hướng dẫn Luật Khám chữa bệnh cũng vừa được ban hành và có hiệu lực từ 01/01/2024, nên trong năm 2023 việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực y dược vẫn đang thực hiện theo các quy định hiện hành.
Tuy nhiên, năm 2023 hoạt động đầu tư trong lĩnh vực sản xuất thuốc đã có những bước tiến, hàng loạt các cơ sở tiếp tục xây mới, mở rộng hoặc hiện đại hóa các dây chuyền sản xuất đã có theo tiêu chuẩn EU-GMP (Ví dụ: Medochemie Việt Nam, Rohto Việt Nam, Dược Hậu Giang, Danapha, Ampharco, TV Pharm….). Một số công ty đã và đang tiếp tục được các Công ty dược phẩm đa quốc gia chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc mới, thuốc biệt dược gốc (đã có 20 thuốc biệt dược gốc được chuyển giao sản xuất tại Việt Nam).
Triển khai thực hiện Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Y tế đã đang phối hợp với TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Thái Bình để triển khai thành lập các khu công nghiệp dược tại 2 địa phương này. Dự kiến các khu công nghiệp này sẽ được khởi công xây dựng vào quý II/2024.
Ngoài ra, Ngày 25/10/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1286/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo đảm nguồn cung ứng vắc xin cho tiêm chủng đến năm 2030, trong đó có giải pháp “Thu hút đầu tư, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các nước phát triển”.
Với định hướng trong hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực y dược nêu trên, kỳ vọng trong năm 2024, các cơ sở khám chữa bệnh trên cơ sở đầu tư công dẫn dắt, tiếp tục đa dạng hóa nguồn lực đầu tư; tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, tiếp cận các quỹ đầu tư quốc tế, nguồn vốn hợp pháp có lãi suất thấp, thời gian ân hạn dài, tạo các kênh huy động vốn khác bên cạnh nguồn vốn tín dụng.
Bộ Y tế phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ về ưu đãi đầu tư đối với hoạt động sản xuất thuốc, vắc-xin, thiết bị y tế và xây dựng, đề xuất tiêu chí cơ sở sản xuất thuốc, vắc-xin, thiết bị y tế để tham mưu Chính phủ đưa các tiêu chí này vào Danh mục loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở được hưởng chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
Hoàn thiện thể chế, chính sách luôn là vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm. Ngành y tế đã có những ưu tiên nào trong công tác xây dựng thể chế, chính sách?
Hoàn thiện thể chế, chính sách là vấn đề Bộ Y tế luôn quan tâm ưu tiên hàng đầu, trong đó ưu tiên tập trung vào xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, dược, thiết bị y tế… Bộ Y tế đã tham mưu trình Quốc hội ban hành Luật khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và 02 Nghị quyết; Ban Bí thư ban hành 01 Chỉ thị; Chính phủ ban hành 05 Nghị định, 06 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 08 Quyết định; Bộ Y tế ban hành 34 Thông tư theo thẩm quyền. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số Chiến lược quan trọng: Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Ngày 30/12/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh chữa bệnh, có hiệu lực từ ngày 01/01/2024; ngày 31/12/2023, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 32/2023/TT-BYT quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023. Với quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm, Luật và các văn bản hướng dẫn đã thúc đẩy và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đây chính là tiền đề góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Về ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực y tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 về Danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường. Bộ Y tế hiện nay đang xin ý kiến các Bộ ngành; hội trang thiết bị y tế, hội sản xuất và kinh doanh dược về loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở hoạt động sản xuất thuốc, vắc xin, sinh phẩm được áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất sửa đổi bổ sung Quyết định số 1466/QĐ-TTg nêu trên.
Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đâu là những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, thưa Thứ trưởng?
Năm 2024 là năm bứt phá, có tính chất quyết định trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Ngành y tế tiếp tục quyết tâm, giữ vững tinh thần vượt khó, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo hành động quyết liệt, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, chú trọng một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
- Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao năng lực quản lý nhà nước. Trước mắt, xây dựng và triển khai hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi; hoàn thiện trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế; hoàn thành các đề án, văn bản trong Chương trình công tác của Chính phủ năm 2024. Quyết liệt triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội; Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng để nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở…
- Khẩn trương hoàn thành và triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phân công, phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát. Nâng cao trách nhiệm, vai trò của các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách, thể chế trong lĩnh vực y tế.
- Tiếp tục tập trung kiểm soát hiệu quả dịch bệnh khác, đặc biệt là các dịch bệnh mới phát sinh, không để dịch chồng dịch. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo tình hình dịch bệnh; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án đáp ứng hiệu quả với dịch bệnh. Duy trì, thực hiện hiệu quả Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
- Tăng cường quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích, nâng cao sức khoẻ người dân. Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, chú trọng công tác thanh kiểm tra.
- Tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ y tế đáp ứng sự hài lòng của người dân. Tích cực triển khai quyết liệt các chương trình, dự án đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là các dự án y tế cơ sở, y tế dự phòng tư nguồn Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cho ngành y tế. Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách để các cơ sở y tế tiếp cận các nguồn vốn bao gồm vốn vay ưu đãi của Chính phủ, vay thương mại để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế …; đẩy mạnh hợp tác công tư trong y tế, tạo điều kiện để y tế tư nhân phát triển. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, nhất là đầu tư công.
- Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ y tế để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế. Đẩy mạnh nghiên cứu, nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo ngành y tế. Đề xuất chế độ, chính sách cho cán bộ y tế trong tổng thể cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW để thực hiện từ ngày 01/7/2024 sao cho đãi ngộ xứng đáng đối với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc của nhân viên y tế, thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi làm việc, gắn bó lâu dài tại y tế cơ sở...
- Tích cực tổ chức, triển khai thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
- Đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam nhằm xây dựng nền công nghiệp dược Việt Nam. Tiếp tục tập trung giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế tại các cơ sở y y tế công lập. Hoàn thành xây dựng cơ chế tổ chức cung ứng, dự trữ, mua sắm đặc thù đối với các loại thuốc hiếm, thuốc điều trị bệnh hiếm. Tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế. Tham mưu chính phủ hoàn thiện hành lang pháp lý, văn bản, chính sách về mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.