Tài chính - Chứng khoán
Tăng dự phòng tổn thất đầu tư kéo tụt lợi nhuận SHS và PSI sau soát xét
Thanh Thủy - 22/08/2022 10:54
Chứng khoán Dầu khí (PSI) “bốc hơi” nửa lợi nhuận, trong khi SHS chuyển từ lãi sang lỗ sau soát xét báo cáo tài chính. Nguyên nhân đều bởi hoạt động trích lập dự phòng.

CTCP Chứng khoán dầu khí (PSI) công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên với lợi nhuận 6 tháng đầu năm giảm một nửa so với báo cáo tự lập trước đó.

Doanh thu không thay đổi nhưng chi phí hoạt động tăng hơn 19 tỷ đồng là nguyên nhân kéo tụt lợi nhuận sau thuế của PSI giảm từ 25,1 tỷ đồng xuống còn 12,5 tỷ đồng, giảm 15% so với nửa đầu năm 2021.

Căn cứ quy định về trích lập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư và báo cáo tài chính của các công ty nhận đầu tư thu thập được tại ngày 30/6/2022, PSI tăng trích lập dự phòng suy giảm giá trị tài sản tài chính sẵn sàng để bán thêm 19,3 tỷ đồng.

Các tài sản tài chính trên là các khoản đầu tư vào cổ phiếu phát sinh từ trước năm 2012. Với giá trị cổ phiếu đang trực tiếp đầu tư là 155,8 tỷ đồng và ủy thác đầu tư 4,9 tỷ đồng, chiếm tổng cộng 24,9% vốn chủ sở hữu, tỷ lệ sở hữu đang vượt ngưỡng quy định tại Thông tư 121/2020/TT-BTC.

Đây cũng là nguyên nhân khiến kiểm toán nêu vấn đề cần nhấn mạnh đối với báo cáo tài chính bán niên của PSI. Công ty chứng khoán này cho biết đang nỗ lực thỏa thuận với các nhà đầu tư có nhu cầu mua lại các cổ phiếu này để thực hiện chuyển nhượng, đưa tỷ lệ sở hữu về đúng quy định.

Kết quả kinh doanh sau soát xét của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cũng sụt giảm mạnh tới hơn 125 tỷ đồng. SHS từ mức lãi trước thuế 39 tỷ đồng chuyển sang lỗ 86,5 tỷ đồng. Khoản lỗ sau thuế nửa dầu năm sau soát xét đạt hơn 68 tỷ đồng, giảm 100 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.

Theo giải trình, Công ty phải giữ nguyên phân loại cổ phiếu TCB và GEX ở mục tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) thay vì mục tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) như trong BCTC quý II tự lập. Do đó, chênh lệch tăng đánh giá lại tài sản FVTPL sau soát xét tăng gần 13 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Đồng thời, chênh lệch giảm đánh giá lại tài sản tài chính FVTPL tăng 138,4 tỷ đồng.

Trên BCTC quý II/2022 tự lập, SHS ghi nhận 95,5 tỷ đồng cổ phiếu GEX ở khoản mục tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ (FVTPL) và 147,3 tỷ đồng ở nhóm tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS). Sau soát xét, toàn bộ giá trị đầu tư vào GEX của Công ty phải chuyển sang mục FVTPL.

Với khoản đầu tư vào TCB, công ty chuyển từ ghi nhận 421 tỷ đồng ở FVTPL và 322,3 tỷ đồng ở AFS sang ghi nhận toàn bộ 743,3 tỷ đồng ở mục FVTPL.

Tin liên quan
Tin khác