Du lịch
Tăng sức hấp dẫn cho mùa du lịch cuối năm
Linh Nguyễn - 10/11/2024 17:09
Để kích cầu du lịch cuối năm, các công ty lữ hành chủ động triển khai nhiều giải pháp đổi mới sản phẩm, kết hợp với tăng trải nghiệm và dịch vụ.

Bài toán của ngành lữ hành

Để tạo dấu ấn riêng, các công ty du lịch cần mở rộng và làm mới sản phẩm của mình. Việc chỉ tập trung vào các tour phổ thông không còn đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng cao của du khách. Thay vào đó, các hành trình cần mang tính trải nghiệm, kết nối sâu sắc với văn hóa và đời sống địa phương. Chẳng hạn, đó là những tour du lịch cộng đồng tại vùng quê Bắc bộ, ghé thăm các làng nghề truyền thống như làng gốm Bát Tràng, làng nón lá Chuông, làng lụa Vạn Phúc, làng thêu Quất Động…

Các tour theo chủ đề cũng là hướng đi đầy tiềm năng để thu hút nhóm khách hàng trẻ trung, ưa khám phá. Từ hành trình ẩm thực hấp dẫn, các chuyến khám phá thiên nhiên hoang dã, đến tour mạo hiểm khám phá hang động kỳ vĩ, mỗi lựa chọn đều cần được thiết kế kỹ lưỡng để phát huy tối đa sức hút. Khai thác các yếu tố địa phương như lễ hội truyền thống và phong tục đặc trưng cũng giúp các gói dịch vụ thêm phần phong phú và độc đáo.

Ví dụ, Vietravel phát triển các tour ẩm thực, nổi bật là hành trình "Hương vị miền Tây" - nơi du khách được thưởng thức các món ăn truyền thống và trải nghiệm cuộc sống trên thuyền chợ nổi. Saigontourist cũng tạo ấn tượng với các tour mạo hiểm như "Khám phá hang Sơn Đoòng" tại Quảng Bình, hấp dẫn giới trẻ yêu thích phiêu lưu và khám phá thiên nhiên hoang dã. Buffalo Tours mang đến các tour khám phá văn hóa làng nghề, tiêu biểu là thăm làng gốm Bát Tràng - nơi du khách có cơ hội tự tay làm gốm và tìm hiểu quá trình chế tác thủ công đầy cuốn hút.

Trong những tháng cuối năm 2024, ngành du lịch tiếp tục triển khai kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững; Kế hoạch Hành động thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. 

Đặc biệt, sau khi mở cửa trở lại sau siêu bão Yagi, các điểm du lịch ở Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang và Cao Bằng đã đón nhiều đoàn khách, chủ yếu là khách quốc tế. Đối với khách trong nước, các nhóm nhỏ như bạn bè, gia đình hay đoàn thể từ các công ty có xu hướng thận trọng hơn, nhiều đoàn lớn chọn cách hoãn lịch trình đến cuối tháng 10 và tháng 11.

Tại Sapa, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đã sớm triển khai những giải pháp phục hồi du lịch, nâng cấp hạ tầng như các tuyến đường trọng điểm kết nối Sapa với Quốc lộ 4D, các tỉnh lộ 152 và 155.

Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sapa cho biết, từ nay đến cuối năm, Sapa sẽ tổ chức nhiều sự kiện đặc sắc như tour "Cung đường di sản văn hóa Dao", "Di sản văn hóa Giáy", khai thác các điểm đến như Không gian văn hóa các dân tộc Sapa và Khu chạm khắc đá cổ Sapa.

Huyện Bắc Hà cũng triển khai các biện pháp khôi phục du lịch sau bão. Trong 2 tháng cuối năm, cổng trời Hoàng Thu Phố và đỉnh Ngải Thầu dự kiến thu hút du khách với khung cảnh hoàng hôn và bình minh tuyệt đẹp. Cuối tháng 11/2024, huyện Bắc Hà sẽ tổ chức Festival Cao nguyên trắng với chủ đề "Nghiêng say mùa Đông", hứa hẹn một loạt sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao hấp dẫn…

Tương tự, tại Hà Giang, lượng khách du lịch đã có dấu hiệu tăng trở lại từ tháng 10/2024. Bà Triệu Thị Tình, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá để thu hút du khách với thông điệp "Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á".

Theo ông Thi Quốc Duy, đại diện cho Benthanh Tourist, mùa du lịch Thu - Đông năm nay gặp khó khăn do giá vé máy bay cao và ảnh hưởng của thiên tai, khiến lượng khách đến miền Bắc có thể chỉ đạt 70 - 80% so với các năm trước.

Tương tự, Vietluxtour cũng phải điều chỉnh lịch trình và tour miền Bắc, song Công ty vẫn lạc quan về khả năng phục hồi trước mùa cao điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

Kích cầu thông qua khuyến mãi và dịch vụ chăm sóc khách hàng

Khuyến mãi luôn là “vũ khí” để thúc đẩy lượng khách đăng ký tour. Tuy nhiên, thay vì các chương trình giảm giá thông thường, các công ty có thể sáng tạo hơn bằng việc thiết kế các chương trình đặc biệt, chẳng hạn như “tour combo” bao gồm vé máy bay, khách sạn và trải nghiệm địa phương. Các gói ưu đãi đặt sớm với mức giá hấp dẫn cũng là cách hiệu quả để kích thích nhu cầu du lịch sớm trong mùa cao điểm.

Chẳng hạn, Công ty Du lịch Vietravel với các gói tour “Kỳ nghỉ vàng” kết hợp vé máy bay khứ hồi, khách sạn đạt chuẩn 4 - 5 sao và các hoạt động trải nghiệm văn hóa bản địa như khám phá làng nghề, tham gia lớp học nấu ăn món địa phương hay tour thăm các di sản văn hóa…

Bên cạnh đó, các gói khuyến mãi đặc biệt cho khách hàng đặt sớm như “Early Bird” cũng đã trở thành phương thức kích cầu phổ biến.

Công ty Saigontourist đã thực hiện chương trình “Mùa du lịch hè sớm” với mức giảm giá lên đến 20% cho những khách hàng đặt chỗ trước 3 tháng. Những ưu đãi này khuyến khích khách hàng có kế hoạch du lịch sớm, đồng thời duy trì doanh số ổn định trước mùa cao điểm.

Về dịch vụ chăm sóc khách hàng, sự tận tâm là một yếu tố không thể thiếu để níu chân khách. Trong thời đại mà các lựa chọn là vô tận, thì sự khác biệt đôi khi chỉ nằm ở chi tiết nhỏ, từ việc chào đón khách bằng một món quà nhỏ mang đậm bản sắc địa phương đến việc lắng nghe và giải quyết phản hồi của khách một cách chuyên nghiệp.

Những công ty lữ hành hàng đầu như FIDITOUR, Hanoitourist đã đặt ra những chuẩn mực mới về dịch vụ. Đối với họ, sự hài lòng của khách hàng là nền tảng cho lòng trung thành và quảng bá qua truyền miệng. Việc xử lý phản hồi nhanh chóng và thấu hiểu nhu cầu giúp không ít đơn vị lữ hành nhận được sự đánh giá cao từ khách hàng.

Tin liên quan
Tin khác