Tình hình xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm nay đã chịu ảnh hưởng mạnh từ dịch bệnh. Song đây cũng là thời điểm để doanh nghiệp tăng tốc chuyển đổi số.
Việc xúc tiến thương mại quốc tế xưa nay vẫn được tổ chức “offline” bằng cách mang hàng hóa tới các quốc gia khác và trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ, phòng giới thiệu sản phẩm. Các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp này có tỉ lệ chốt đơn hàng tương đối cao so với các hoạt động xúc tiến gián tiếp hoặc trực tuyến dù hoạt động này có chi phí khá cao với các yêu cầu về logistics.
Tuy nhiên, khi Covid-19 xảy ra, các đơn vị mới dần nghĩ tới việc dịch chuyển sang hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến. Khi so sánh giữa hai hình thức, trực tiếp và trực tuyến, hình thức trực tuyến có thể được tổ chức liên tục với chi phí ngắn và có thể thực hiện trên đa dạng các nền tảng. Hình thức này loại bỏ 3 hạn chế chính của hình thức trực tiếp gặp phải là về địa lý, về khả năng và số lượng tiếp cận, và cuối cùng là chi phí.
Nắm bắt những cơ hội có được từ EVFTA để hạn chế cao nhất trở ngại và ảnh hưởng từ Covid -19 |
Đại diện Vụ đa biên (Bộ Công thương) cho rằng, chuyển đổi số đã mở ra khả năng tiếp cận và tận dụng cơ hội mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mang lại. Cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam một công cụ để có thể tiếp cận thị trường EU một cách hiệu quả hơn so với các hình thức trước đây.
Xuất khẩu 6 tháng cuối năm có thể hy vọng từ việc thực thi Hiệp định EVFTA. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới với dân số hơn 508 triệu người, GDP khoảng 18,000 tỷ USD.
Nếu dịch bệnh được kiểm soát tại châu Âu, Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường này.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có thể đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch COVID-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.
Tại Diễn đàn chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa vừa diễn ra ở Hà Nội, nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam (ECVN) được đưa vào hoạt động. Giải pháp chuyển đối số trên nền tảng thương mại điện tử B2B này tích hợp cộng đồng giao thương chuyên ngành xuất nhập khẩu với mục tiêu hỗ trợ kết nối trực tiếp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đến nhà nhập khẩu nước ngoài; Là kênh thông tin giao thương, thị trường nhanh chóng từ các Thương vụ Việt Nam ở các nước đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 122,8 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 117,3 tỷ USD, giảm 2,9%. Trừ nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng nhẹ 0,8%, xuất khẩu các nhóm hàng đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản đạt 11,7 tỷ USD, giảm 4,6%; xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 1,5 tỷ USD, giảm 34,5%. Nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng cũng ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ như: hàng dệt, may đạt 13,18 tỷ USD, giảm 12,7%; giầy dép đạt 8,13 tỷ USD, giảm 6,9%.
Ông Phạm Tấn Đạt, Tổng Giám đốc Fado, công ty tiên phong về thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam, đơn vị đồng hành, phát triển nền tảng ECVN đặt nhiều kỳ vọng phiên bản mới này. Nó sẽ hỗ trợ hiệu quả hơn nữa các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận có định hướng thị trường nước ngoài theo các hiệp định như EVFTA, CPTPP… nhanh chóng, chính xác và nâng cao tỷ lệ ký kết thành công các hợp đồng giao thương.
Fado sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chưa có nhiều ngân sách, nguồn nhân lực cũng như kinh nghiệm, bắt đầu từ việc mở gian hàng, cung cấp các giải pháp vận hành gian hàng hiệu quả, tư vấn xây dựng nhận diện thương hiệu, tối ưu hóa gian hàng, thông tin sản phẩm. Trong đó, marketing sản phẩm trên môi trường trực tuyến, chủ động khai thác dữ liệu để tìm kiếm nhà nhập khẩu có nhu cầu phù hợp đến xúc tiến, tạo ra các cơ hội giao thương...