TS. Đặng Đức Anh, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF, Bộ Kế hoạch và Đầu tư). |
Theo ông, GDP năm nay tăng trưởng trông chờ vào yếu tố nào?
Năm 2020 là năm cuối nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020. Theo quy luật, vào năm cuối nhiệm kỳ, vốn đầu tư công thường cao hơn các năm trước và theo tôi, năm 2020 không phải là ngoại lệ. Đặc biệt, trong Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Chính phủ yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm.
Để đối phó với tác động tiêu cực của dịch Covid-19 tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong Phiên họp thường kỳ tháng 1/2020, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành hữu quan đưa ra các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là nguồn vốn đầu tư công còn lại của năm 2019. Đồng thời, thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là dự án, công trình lớn như Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đường bộ cao tốc Bắc-Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM...; giải quyết nhanh thủ tục đầu tư các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Khi nguồn vốn đầu tư công, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài được đẩy mạnh giải ngân, sẽ kéo theo nguồn vốn đầu tư tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài, là động lực để tăng trưởng kinh tế trong năm nay và những năm tiếp theo.
Quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ, theo ông, đã có hiệu quả chưa?
Tôi nghĩ là đã có hiệu quả.
Cụ thể, tháng 1 năm nay, nghỉ Tết Canh Tý trên dưới 10 ngày, nhưng giải ngân vốn đầu tư công vẫn tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 2/2019, hoạt động sản xuất, kinh doanh của toàn thế giới “lao đao” trước dịch Covid-19 khiến một số nhà thầu chậm triển khai thi công, nhưng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tăng tới 28,7%. Tính chung 2 tháng đầu năm, vốn đầu tư công tăng 17,8%, trong khi cùng kỳ năm 2019 chỉ tăng 3,8%.
Trong 2 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư công tập trung vào thi công các công trình, dự án chuyển tiếp từ năm trước. Với công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công năm 2020, tiến độ giải ngân chắc chắn được cải thiện, vì các bộ, ngành, địa phương đã cơ bản khắc phục được hạn chế cố hữu trong nhiều năm, đó là chậm giao vốn đầu tư cho các dự án, công trình khiến tốc độ giải ngân vốn đầu tư công ì ạch.
Hơn nữa, ngay từ cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu chỉ giao kế hoạch đầu tư vốn đầu tư công năm 2020 cho dự án đã đủ thủ tục đầu tư và đủ điều kiện; kiên quyết cắt giảm vốn đối với dự án triển khai chậm, bổ sung vốn cho dự án có khối lượng hoàn thành cao, đảm bảo giải ngân hết kế hoạch được giao.
Năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan giám sát tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công và hằng tháng, hằng quý phải báo cáo Chính phủ tình hình giải ngân để tìm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Nhưng vốn đầu tư công chỉ có hạn, liệu có đủ khả năng kéo GDP đạt tốc độ tăng trưởng 6,8%?
Tôi cho rằng, GDP năm nay tăng khoảng 6,76%, tức là thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng 7,02% của năm 2019 và 6,8% như mục tiêu Quốc hội đặt ra. Để đạt được tốc độ tăng trưởng này, ngoài đẩy mạnh vốn đầu tư công, phải trông đợi vào nhiều động lực khác như xuất siêu phải đạt ít nhất 10 tỷ USD, thu hút được siêu dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên thu hút vốn đầu tư nước ngoài không mấy khả quan trong 2 tháng đầu năm nay. Nhưng rất mừng là, Việt Nam thu hút được Dự án Nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) với số vốn tới 4 tỷ USD. Khi dự án này được triển khai, sẽ là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế và thu hút các nguồn vốn khác tham gia đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.
Xuất khẩu vẫn là một trong những động lực quan trọng trong tăng trưởng GDP. Song thương mại toàn cầu năm nay suy giảm mạnh do dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, thưa ông?
Đúng là hoạt động xuất khẩu của nước ta 2 tháng đầu năm bị tác động tiêu cực khi chỉ tăng 2,4%, chủ yếu do kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2020 giảm chưa từng thấy - giảm tới 14,3% so với cùng kỳ năm 2019. Nhưng đáng mừng là, xuất khẩu tháng 2/2020 đã phục hồi rất mạnh mẽ khi tăng tới 34% so với cùng kỳ năm 2019. Vì vậy, tháng 2 đã quay trở lại quỹ đạo xuất siêu 100 triệu USD, thay vì nhập siêu 276 triệu USD trong tháng 1/2020.
Đặt trong bối cảnh nhiều nước giảm xuất khẩu từ quý I/2019 đến nay, mới thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc duy trì tăng trưởng xuất khẩu.
Với sự phục hồi tăng trưởng xuất nhập khẩu trong tháng 2, cộng với việc cắt giảm thuế quan khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA, chúng tôi dự báo, năm nay, xuất khẩu sẽ tăng trưởng khoảng7,5%, nhập khẩu tăng trưởng 7,7% và cán cân thương mại thặng dư khoảng 10 tỷ USD.
Nếu đạt được các mục tiêu trên, thì khả năng GDP năm nay tăng trưởng 6,76%. Tất nhiên, đây chỉ là dự báo, vì chưa thể biết trước được dịch Covid-19 sẽ diễn biến ra sao và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của Chính phủ nhằm đối phó với dịch Covid-19 sẽ đến đâu.