Tăng trưởng tín dụng năm 2016 sẽ ở mức khoảng 18-20% |
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, hoạt động của các doanh nghiệp trong năm nay sẽ cải thiện hơn so với năm 2015, các kế hoạch sản xuất, kinh doanh được mở rộng khi lãi suất dần hợp lý hơn.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Mở TP.HCM cho biết, sự cải thiện tích cực của tín dụng ngành ngân hàng trong năm 2015 đã cho thấy tình hình kinh doanh của doanh nghiệp dần hồi phục và bắt đầu tăng trưởng. Bởi chỉ khi mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp mới có nhu cầu sử dụng vốn vay.
Theo các chuyên gia tài chính, kinh tế, khả năng sức hấp thu vốn của nền kinh tế sẽ tốt hơn trong năm 2016. Nhu cầu vốn của doanh nghiệp từ đó gia tăng để mở rộng sản xuất, đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, lãi suất cho vay vốn trung, dài hạn cần phải được xem xét để giảm thêm.
Được biết, tổng phương tiện thanh toán đến ngày 21/12/2015 tăng hơn 13,5% so với cuối năm 2014. Mặt bằng lãi suất giảm nhưng huy động vốn vẫn tăng (đến ngày 21/12/2015, huy động vốn tăng 13,59% so với cuối năm 2014). Còn tín dụng tính đến ngày 21/12/2015 tăng 17,17% so với đầu năm, cao hơn mức tăng cùng kỳ các năm 2011-2014.
Theo ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), với diễn biến trên, tăng trưởng tín dụng năm 2016 sẽ ở mức phù hợp, với mục tiêu tăng khoảng 18-20%, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tăng dư nợ tín dụng phù hợp. Chính điều này sẽ tạo điều kiện cho việc tăng trưởng hoạt động cho vay trong năm 2016, nhất là khi thị trường bất động sản đang dần hồi phục và các dự báo đưa ra đều sáng lên trong năm nay.
Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) cho biết, nhu cầu vốn của doanh nghiệp cuối năm 2015 cải thiện đáng kể cả với khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, nhưng khả năng sẽ còn gia tăng trong năm 2016, nhất là khi thị trường bất động sản hồi phục và nhiều khả năng nhu cầu vốn mua nhà đối với phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình sẽ gia tăng khi giá bất động sản và lãi suất dần hợp lý hơn so với trước.
“Một khi bất động sản hồi phục, giao dịch tăng, thì tín dụng ngân hàng sẽ tốt hơn. Thực tế hiện nay, cạnh tranh cho vay giữa các ngân hàng thương mại khá gay gắt, nhưng tín dụng năm 2015 tăng khá tốt và nhiều khả năng sẽ cải thiện tích cực hơn trong năm 2016”, ông Trung nói.
Năm 2015, tín dụng của HDBank tăng khoảng 20%; huy động cao hơn 20%. Không chỉ HDBank, tín dụng của nhiều nhà băng khác cũng tăng vượt “room” ban đầu. Chẳng hạn, tín dụng tại Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)… đều vượt mức 25% trong năm 2015.
Theo lãnh đạo các nhà băng, với diễn biến của thị trường hiện nay, khả năng sức hấp thu vốn của nền kinh tế trong năm 2016 sẽ tốt hơn. Mặt bằng lãi suất cho vay cũng được dự báo sẽ ổn định trong năm nay, thậm chí lãi suất cho vay trung và dài hạn có thể được các ngân hàng xem xét giảm thêm nhằm kích cầu được dòng vốn này.
Vì thế, lãi suất huy động vốn được một số ngân hàng tăng nhẹ thời gian gần đây, theo TS. Trần Du Lịch, chỉ mang tính chất cục bộ. Cạnh tranh trong hoạt động cho vay ngày càng gay gắt, buộc các ngân hàng phải giảm lãi suất. Do đó, lãi suất đầu vào khó có thể sớm tăng trở lại hoặc nếu có tăng thì chỉ nhích nhẹ ở một vài ngân hàng nhỏ.