Ngân hàng
Tăng trưởng tín dụng cao, nhưng chất lượng tín dụng được đảm bảo
Nhuệ Mẫn - 21/01/2019 09:19
Đó là một trong những điểm nhấn về hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội được bà Trần Lan Phương, Phó tổng giám đốc chia sẻ.
TIN LIÊN QUAN
Bà Trần Lan Phương, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội

Bà có thể cho biết việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trong năm 2018?

NHCSXH đã thực hiện xuất sắc chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần tích cực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị tại cơ sở.

Cụ thể, năm 2018, tăng trưởng tín dụng của NHCSXH đạt 16.002 tỷ đồng, thực hiện tốt thu nợ với doanh số đạt trên 45.888 tỷ đồng, tạo ra nguồn tín dụng cho vay mới đạt 62.078 tỷ đồng, với gần 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn.

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; góp phần hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm cho trên 243.000 lao động; giúp gần 6.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp gần 51.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 1,3 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng gần 30.000 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, hơn 2.800 căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP…

Bên cạnh đó, trong năm qua, hoạt động tín dụng chính sách cũng đã được Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá là “tiếp tục khẳng định hiệu quả thiết thực và là điểm nhấn trong công tác giảm nghèo; nguồn vốn tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được tăng cường từ nhiều nguồn đa dạng…” (Báo cáo số 1654/BC-UBVĐXH14 ngày 10/10/2018 về kết quả 2 năm (2017-2018) thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội).

Về chất lượng tín dụng tại NHCSXH thì sao, thưa bà?

Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao, nhưng nợ quá hạn tại NHCSXH chiếm tỷ lệ rất thấp. Đến năm 2018, nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,78% tổng dư nợ, trong đó, nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,39%, thấp nhất trong toàn hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam hiện nay. Điều đó chứng tỏ, chất lượng tín dụng được đảm bảo, quy trình cho vay và đối tượng cho vay được thực hiện nghiêm túc, vốn cho vay được cộng đồng người nghèo sử dụng hiệu quả, tạo niềm tin lớn trong xã hội.

Tôi muốn chia sẻ thêm thông tin rằng, năm 2018 là năm thứ 4 thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Từ đó, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục quan tâm, hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH. Đặc biệt, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW đến nay, nguồn lực này đạt 8.000 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương đến hết năm 2018 đạt 11.809 tỷ đồng. Riêng trong năm 2018, tăng trưởng nguồn vốn ủy thác địa phương đạt 2.764 tỷ đồng (tăng cao nhất trong 16 năm qua).

Về kế hoạch năm 2019, bà có thể chia sẻ?

Năm 2019, toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, đồng thời nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, cụ thể tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác tập trung khơi tăng nguồn lực, trong đó, quan tâm tới nguồn vốn nhận ủy thác của các địa phương; huy động vốn của tổ chức, cá nhân, nhất là huy động tiền gửi tại các điểm giao dịch xã.

Thứ hai, tổ chức rà soát các chương trình tín dụng chính sách xã hội để tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh đối tượng cho vay, mức cho vay, lãi suất cho vay, thời hạn cho vay cho phù hợp thực tiễn hoạt động.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng trong toàn hệ thống. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; công tác luân chuyển, đào tạo cán bộ; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng.

Thứ tư, báo cáo, tham mưu Chính phủ, Văn Phòng Trung ương Đảng và Ban Kinh tế Trung ương để báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Thứ năm, tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020, để chuẩn bị cho công tác tổng kết thực hiện Chiến lược và xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn tiếp theo.

Tin liên quan
Tin khác