Y tế - Sức khỏe
Tăng tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá
D.Ngân - 16/10/2021 20:38
Tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá có xu hướng giảm, trong khi tỷ lệ nữ giới đang có chiều hướng tăng.

Đây là một trong những kết quả ban đầu điều tra thực trạng sử dụng thuốc lá và thực hiện Luật Phòng chống Tác hại thuốc lá (PGATS) 2020 do Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Trường Đại học y tế Công cộng phối hợp thực hiện được.

Tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá có xu hướng giảm, trong khi tỷ lệ nữ giới đang có chiều hướng tăng. 

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Chủ tịch Hội đồng, điều tra thực trạng sử dụng thuốc lá rất cần thiết trong bối cảnh tỷ lệ hút thuốc tại Việt Nam vẫn còn ở mức cao, trong khi giá bán thuốc lá/bao quá thấp, thuế thuốc lá chưa tăng đáng kể khiến cho người hút thuốc vẫn dễ dàng tiếp cận được với thuốc lá.

Bên cạnh đó, các loại thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng... đang tìm mọi cách để xâm chiếm thị trường với những chiêu trò quảng cáo tinh vi.

Điều tra cần phải thực hiện để làm cơ sở đề xuất xây dựng chiến lược quốc gia trong giai đoạn mới, đồng thời đề xuất, vận động chính sách cải thiện văn bản pháp luật liên quan và có những biện pháp can thiệp phù hợp trong hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam.

Báo cáo trước Hội đồng Khoa học nghiệm thu của Bộ Y tế sáng ngày 14/10 tại Hà Nội, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, điều tra mô tả thực trạng sử dụng thuốc lá (bao gồm cả hút thuốc lá thụ động) ở người trưởng thành tại 34 tỉnh/thành phố của Việt Nam năm 2020 cho thấy tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá chung giảm so với năm 2015 (21,7% năm 2020 so với 22,5% năm 2015).

Nam giới hút thuốc là 42,3%, giảm so với năm 2015 (45,3%) và tỷ lệ nữ giới hút thuốc là 1,7%, tăng so với năm 2015 (1,1%).

Thực tế cho thấy, thuốc lá điện tử, thuốc lá đốt nóng xâm nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường đang là mối nguy cơ của giới trẻ, trong đó có nhiều nữ thanh niên tham gia hút thuốc lá điện tử. 

Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến tỷ lệ hút thuốc là ở nữ giới tăng lên. Các chuyên gia cho biết, phụ nữ hút thuốc cũng ảnh hưởng như nam giới, song nghiêm trọng nhất là vấn đề sức khỏe sinh sản, những chất độc hại trong tinh dầu thuốc điện tử có thể gây ra nhiều hậu quả. 

So với phụ nữ không hút thuốc lá thì phụ nữ hút thuốc gây mất khả năng thụ thai khoảng 30%; sinh non tăng 20%; mang thai ngoài tử cung tăng từ 2-4 lần; sẩy thai tăng lên 1,5 - 3 lần. 

Ngoài ra có khả năng sinh con yếu ớt, nhẹ cân, vỡ ối sớm, nhau tiền đạo, thai chết lưu, dị tật bẩm sinh và có thể mẹ bị bệnh tim mạch, bệnh ở phổi, loãng xương, ung thư.

Ngoài ra, theo số liệu trong điều tra này, tỷ lệ người hút thuốc lá thụ động tại một số địa điểm giảm so với năm 2015 như nơi làm việc, giảm từ 42,6% xuống 30,9%; tại nhà, giảm từ 59,9% xuống 56,0%, tại nhà hàng giảm từ 80,7% xuống 78,1%; tại quán bar/cà phê/trà giảm từ 89,1% xuống 86,2%.

Điều tra cũng công bố tỷ lệ người hút thuốc lá thụ động tại nơi làm việc, tại nhà; tỷ lệ cố gắng bỏ thuốc trong 12 tháng qua các biện pháp cai nghiện; các địa điểm tiếp cận mua thuốc lá; các nhãn hiệu thuốc lá; kiến thức, thái độ nhận thức về thuốc lá, về Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.

Tuy đã đạt được những kết quả nhất định, song, trên thực tế, theo các chuyên gia, việc thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Một số địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến việc tuyên truyền, phổ biến về Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá; ý thức tuân thủ quy định của pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá trong một bộ phận nhân dân chưa cao.

Mặt khác, tại nhiều điểm bán thuốc lá, tình trạng trưng bày, khuyến mại không theo quy định vẫn diễn ra khá phổ biến. Trong khi đó, chế tài trong luật chưa được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, khó thực hiện, chủ yếu cũng chỉ là nhắc nhở, tuyên truyền.

Lực lượng chuyên trách mỏng, việc bố trí nguồn lực, kinh phí cho công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý trong lĩnh vực này còn khó khăn nên hiệu quả chưa cao, tình trạng vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và nơi công cộng vẫn diễn ra.

Để việc thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đạt hiệu quả cao, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, cần sự quyết liệt hơn nữa trong công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng, đồng thời cần sự chung tay vào cuộc tích cực của các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương.

Và quan trọng hơn, mỗi cá nhân cần nêu cao tinh thần tự giác và ý thức chấp hành các quy định của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt cần sự gương mẫu, nghiêm túc của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Tin liên quan
Tin khác