Đợt phát hành lịch sử
AMD Group dự kiến chào bán gần 102 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ phát hành 1:1,568. Nếu đợt phát hành được thực hiện theo đúng kế hoạch, AMD Group sẽ thu về 1.017,5 tỷ đồng - mức huy động lớn nhất trong lịch sử của công ty này. AMD Group sẽ tăng vốn điều lệ lên 1.666,3 tỷ đồng, gấp 2,5 lần vốn hiện nay.
. |
Để chuẩn bị cho đợt phát hành, AMD Group đã đưa ra phương án sử dụng vốn khá chi tiết. Cụ thể, Công ty sẽ dành 160 tỷ đồng để đầu tư giai đoạn II, Mỏ đá tại núi Loáng (xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa); 130 tỷ đồng đầu tư giai đoạn II, Mỏ đá tại Núi Bền (xã Vĩnh Minh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa).
Ngoài ra, Công ty dự định dùng 250 tỷ đồng để xây dựng thêm nhà máy chế tác đá ở Khu công nghiệp Hoàng Long (tỉnh Thanh Hóa); 130 tỷ đồng để xây dựng kho và đầu tư các cửa hàng giới thiệu sản phẩm.
AMD Group cũng sẽ dành 150 tỷ đồng để góp vốn đầu tư Dự án Tổ hợp Ươm tạo công nghệ và Đào tạo nguồn nhân lực...
Áp lực pha loãng cổ phiếu
Việc AMD Group phát hành với quy mô khủng sẽ làm số lượng cổ phiếu lưu hành tăng lên gấp 2,5 lần so với hiện tại. Điều này có thể làm suy giảm lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS), bởi lợi nhuận tuyệt đối của Công ty phải chia sẻ cho một số lượng cổ phiếu lớn hơn nhiều lần so với trước đây.
Theo kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2017, AMD Group dự kiến mức doanh thu hợp nhất là 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 56 tỷ đồng.
Như vậy, trường hợp Công ty không tăng vốn, mỗi cổ phiếu sẽ có thu nhập 863 đồng, nhưng nếu Công ty hoàn thành huy động vốn và con số lợi nhuận tuyệt đối vẫn ở mức trên, thì thu nhập mỗi cổ phiếu chỉ còn vỏn vẹn 336 đồng.
Trong khi đó, về tình hình kinh doanh thực tế, quý III/2017, AMD Group đạt tổng doanh thu 203 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 11 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty đạt 660 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 26 tỷ đồng. Như vậy, kết quả doanh thu và lợi nhuận thực tế của 3 quý còn khá xa so với mục tiêu kế hoạch cả năm 2017. Điều này càng khiến lợi nhuận chia cho mỗi cổ phiếu sau đợt phát hành sẽ ít ỏi hơn nữa.
Thậm chí, tác động pha loãng có thể còn kéo dài. AMD Group dù có thể tăng được lợi nhuận tuyệt đối trong năm 2018, thì việc đảm bảo tỷ suất lợi nhuận so với quy mô vốn mới chắc chắn vẫn là một áp lực không nhỏ.
Nói về hiệu quả của các khoản đầu tư, ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc AMD Group cho biết, đầu tư ban đầu có thể tốn kém, nhưng đó là cách đầu tư bền vững. Đá AMD có lợi thế cạnh tranh rất cao khi giá bán chỉ bằng 1/2 - 2/3 giá hàng nhập khẩu, nhưng chất lượng lại hơn hẳn.
Cổ phiếu AMD trồi sụt bất thường thời gian qua. Giữa tháng 11/2017, thị giá cổ phiếu AMD giảm xuống đáy 6.700 đồng/cổ phiếu, sau đó phục hồi lên mức mốc 9.830 đồng/cổ phiếu, nhưng ngày 29/11 lại tụt xuống 9.150 đồng/cổ phiếu. Do vậy, việc cổ phiếu này có thể vượt mốc 10.000 đồng/cổ phiếu vẫn là một thử thách.
Dưới góc nhìn của một nhà đầu tư cá nhân, ông Trần Tiến Dũng, nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán cho biết, cổ phiếu AMD có thể có những kịch bản giống một số cổ phiếu họ nhà FLC như FLC (CTCP Tập đoàn FLC), KLF (CTCP liên doanh Đầu tư quốc tế KLF). Việc đầu tư hay không là tùy quan điểm của từng nhà đầu tư, song cá nhân ông không có ý định đầu tư cổ phiếu này.