Ngân hàng - Bảo hiểm
Tăng vốn là điều kiện thiết yếu với các ngân hàng
Vân Linh - 31/08/2016 08:45
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt, để đứng vững và tăng trưởng ổn định, các ngân hàng phải nhất thiết nâng cao năng lực tài chính, nhất là trong bối cảnh ngân hàng phải áp dụng các chuẩn mực quốc tế, hướng tới Hiệp ước Basel II.

Dự thảo Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, trong đó có tái cơ cấu ngân hàng, đề cập đến việc giảm số lượng ngân hàng thương mại (NHTM) yếu kém và đảm bảo 70% số NHTM thực hiện đầy đủ Basel II vào năm 2020. Theo ông, liệu có khả thi?

Việc áp dụng các quy chuẩn quốc tế đối với hoạt động ngân hàng là cần thiết và không chỉ với 10 NHTM cổ phần đang được thí điểm thực hiện Basel II, mà với những nhà băng còn lại cũng cần có sự chuẩn bị để từng bước tiến tới triển khai quy định này. Bởi khi thực hiện được các quy định này sẽ hạn chế rủi ro trong hệ thống, hoạt động của ngân hàng từng bước được nâng cao, nợ xấu dần được hạn chế khi ngân hàng áp dụng các chuẩn mực quốc tế.

Vì thế, cùng với việc giảm số lượng NHTM yếu kém, thì việc đảm bảo 70% ngân hàng thực hiện đầy đủ Basel II vào năm 2020, nếu các ngân hàng ý thức được và có ý chí, quyết tâm để thực hiện thì không khó để đạt được.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng

Thực tế hiện nay, ngoài 10 ngân hàng được thí điểm triển khai Basell, các ngân hàng còn lại đã từng bước chuẩn bị để sớm áp dụng các chuẩn mực quốc tế, song cần thêm thời gian.

Để áp dụng các chuẩn mực quốc tế, đòi hỏi ngân hàng tăng vốn, liệu có khó không, thưa ông?

Một ngân hàng trường vốn sẽ dễ mở rộng kinh doanh và nâng cao hiệu quả hoạt động, trong khi những NHTM vốn ít sẽ gặp nhiều rủi ro. Đáng chú ý là khi Dự thảo Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng vừa được công khai lấy ý kiến rộng rãi, có đưa các mục tiêu đẩy mạnh tái cấu trúc ngành ngân hàng như: cắt giảm nợ xấu, giảm số lượng NHTM yếu kém và đảm bảo 70% ngân hàng thương mại thực hiện đầy đủ Basel II vào năm 2020… thì việc tăng vốn là điều kiện thiết yếu với các ngân hàng.

Quả thực, việc tăng vốn của các ngân hàng có khó khăn nhất định, trong thời gian qua, khi thị trường chứng khoán khó khăn, giá cổ phiếu ngân hàng giảm. Cùng với đó, áp lực tái cấu trúc, nợ xấu tăng, làn sóng mua bán, sáp nhập ngân hàng… khiến cho nhà đầu tư ít quan tâm đến cổ phiếu ở lĩnh vực này.

Nội dung Dự thảo Đề án trên cũng đã đề cập việc tăng vốn điều lệ của nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) thời gian qua chưa đạt được mục tiêu trong bối cảnh thị trường tài chính khó khăn, ngân sách nhà nước hạn hẹp, nguồn lực tài chính của nhà đầu tư trong nước hạn chế và nhà đầu tư nước ngoài chưa thực sự sẵn sàng tham gia. Tuy có khó khăn, song các ngân hàng phải tăng cường tìm kiếm đối tác hoặc tăng vốn bằng cổ tức để từng bước nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh. Còn nếu không tăng vốn được, cần tính đến M&A để hợp sức tồn tại, phát triển tốt hơn.

Quá trình tái cấu trúc gắn liền với xử lý nợ xấu. Nợ xấu của ngành ngân hàng đã xử lý được một bước quan trọng, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các TCTD. Theo ông, tiến trình xử lý nợ xấu thời gian tới có được đẩy mạnh?

Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là một công cụ và sáng kiến tốt của NHNN trong việc làm sạch bản cân đối kế toán tạm thời cho các ngân hàng. Nhưng VAMC cũng chỉ mua nợ xấu của các ngân hàng, khó xử lý nợ xấu được một cách triệt để và nhanh như kỳ vọng, vì không có đầu ra.

Thực tế, tổng số nợ xấu mà VAMC mua lại từ các NHTM rất lớn hiện cũng chưa có đầu ra. Đó cũng là quy định mà VAMC đã đưa ra trước đây là nếu sau 5 năm khoản nợ đó không được xử lý thì VAMC sẽ trả lại nợ cho các ngân hàng hoặc có thể kéo dài thêm thời gian. Do đó, chúng ta cũng không nên kỳ vọng quá nhiều vào VAMC. VAMC chỉ là công cụ ban đầu để tìm bãi “đỗ” cho nợ xấu, đồng thời cũng chỉ đóng một vai trò nhất định trong xử lý nợ xấu. Vì thế, mặc dù các NHTM đã nỗ lực xử lý, trích dự phòng rủi ro, bán nhiều nợ xấu cho VAMC, nhưng nợ xấu vẫn là mối lo lớn của ngân hàng. Do đó, trước hết đòi hỏi các nhà băng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro.

Dự thảo Đề án cũng đưa ra mục tiêu, đến năm 2020 phát triển NHNN trở thành Ngân hàng trung ương. Điều này có dễ thực thi và cần thiết với ngành?

Tôi cho rằng, điều đó là hoàn toàn cần thiết đối với Việt Nam nói chung và hoạt động của ngành ngân hàng nói riêng. Ở các nền kinh tế phát triển thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải là đối trọng các chính sách của Chính phủ. NHNN phải là cơ quan chủ trì và thực hiện, điều hành chính sách tiền tệ. Đối trọng của chính sách tiền tệ là chính sách tài khóa do Bộ Tài chính chủ trì. Vì thế, chính sách tiền tệ phải độc lập với chính sách tài khoá.

Hiện tại, NHNN phải chịu sự quản lý và trực thuộc Chính phủ nên các chính sách đưa ra chưa mang tính chất đối trọng, do vậy cần tách ra khỏi Chính phủ, phải chịu trách nhiệm điều trần trước Quốc hội. Vấn đề cải tổ hệ thống ngân hàng phải bắt đầu từ đó mới có thể thành công, còn việc tái cơ cấu các TCTD hiện nay phần lớn cũng chỉ mới thay đổi được số học, thực chất vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

Tin liên quan
Tin khác