Quy hoạch tối ưu sẽ tạo nên động lực phát triển cho Đà Nẵng. Trong ảnh: Khu vực phía Tây của TP. Đà Nẵng được quy hoạch để xây dựng Cảng Liên Chiểu và với những dự án du lịch lớn |
Không chỉ đáng sống
Tại Hội thảo Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống do Báo Đầu tư phối hợp với Tập đoàn Sun Group tổ chức, TS. Võ Trí Thành cho rằng, Đà Nẵng là thành phố “đáng đến” và đang trên hành trình phấn đấu để đạt được danh hiệu “đáng sống”.
Phân tích sâu hơn về yếu tố “đáng sống”, theo TS. Võ Trí Thành, Thành phố phải là nơi để tận hưởng, cống hiến, nghỉ ngơi, giải trí và lao động. Nơi đáng sống thì đô thị phải xanh, bền vững, thông minh, an toàn.
“Đến Đà Nẵng, du khách cảm nhận được sự thân thiện, cởi mở, tương trợ lẫn nhau, trung thực. Nếu thiếu sản sắc đấy, thì không phải đáng sống. Một vấn đề nữa là môi trường đầu tư, kinh doanh, môi trường làm việc của Thành phố rất thuận lợi. Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để kết hợp hài hòa giữa đáng đến và đáng sống”, ông Thành đánh giá.
Sau chặng đường phát triển, TP. Đà Nẵng đã tạo lập được hình ảnh và vị thế của mình so với nhiều địa phương trong nước và bây giờ, thành phố đã hướng đến mục tiêu cao hơn.
Định hướng Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP. Đà Nẵng xác định tập trung phát triển trên 3 trụ cột.
Trụ cột đầu tiên, là Du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng và trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế. Hai là Kinh tế tri thức, với hai mũi nhọn là công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.
Ba là, Trung tâm dịch vụ chất lượng cao, với hai mũi nhọn là cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics; trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.
Những định hướng này xác định “con đường tương lai” của Đà Nẵng. Trụ cột đầu tiên, Đà Nẵng đã có nền tảng vững chắc, khi trở thành điểm đến ưa thích của du khách thế giới, hàng loạt các thương hiệu nghỉ dưỡng đẳng cấp cũng đã có mặt tại đây.
Với kinh tế tri thức, Đà Nẵng luôn nằm trong Top những địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và kinh tế số, bởi đã xác định hướng đi rõ ràng và giải pháp cụ thể. Trong đó, Thành phố xác định chuyển đổi số là động lực mới, là cơ hội để giải quyết các điểm nghẽn, tạo đột phá trong phát triển thành phố. Cơ sở viễn thông, công nghệ thông tin của Đà Nẵng được đầu tư đồng bộ, hình thành các cơ sở dữ liệu nền, chuyên ngành; đã triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; triển khai các nền tảng ứng dụng thành phố thông minh… Đáng chú ý, ngành công nghệ thông tin có tốc độ tăng trưởng cao, năm 2021 đóng góp 8,2% GDP của Thành phố và là một trong những trụ đỡ chính trong tăng trưởng chung của Đà Nẵng.
Về Trung tâm dịch vụ chất lượng cao, đây là trụ cột được kỳ vọng sẽ đưa Đà Nẵng vươn tầm. Đà Nẵng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực. Với mục tiêu này, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính cho rằng, Đà Nẵng có nhiều lợi thế.
Nhận định tổng quan về trung tâm tài chính, TS. Cấn Văn Lực nêu 10 điều kiện cơ bản để trở thành trung tâm tài chính. Với 10 điều kiện ấy, Việt Nam chưa thể cạnh tranh với các “ông lớn” như New York, London, Hồng Kông, Singapore… Tuy nhiên, Việt Nam có lợi thế kinh tế phát triển tương đối nhanh; thị trường nội địa lớn, có nhiều tiềm năng, trong đó ngành tài chính - ngân hàng còn nhiều dư địa để phát triển; fintech phát triển nhanh; nguồn nhân lực của Việt Nam cũng dồi dào do dân số trẻ… Với Đà Nẵng, Thành phố có lợi thế về tiếp cận tài chính, hạ tầng ICT và giao thông, môi trường kinh doanh và hệ sinh thái đổi mới - sáng tạo tốt. “Trung tâm fintech khu vực có gắn với đổi mới, sáng tạo và du lịch - nghỉ dưỡng là hướng đi phù hợp và tiềm năng đối với TP. Đà Nẵng”, ông Lực đề xuất.
TP. Đà Nẵng đã có quỹ đất sạch với 6,17 ha, được quy hoạch để phục vụ cho việc thiết lập khu phức hợp Trung tâm tài chính với các điều kiện về vị trí kết nối, hạ tầng thuận lợi.
Với logistics, là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng hội tụ những yếu tố quan trọng về hạ tầng để phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là logistics. Tương lai, Đà Nẵng sẽ hình thành 5 trung tâm logistics chính là cảng Liên Chiểu, Hòa Nhơn, đường sắt, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và Khu công nghệ cao. Những dự án này, đã và đang được chính quyền Thành phố xúc tiến thực hiện.
Bản sắc đô thị
KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, với địa hình vừa có núi, có sông, có biển, Đà Nẵng không chỉ sở hữu tiềm năng to lớn về du lịch, mà còn hội tụ nhiều lợi thế để phát triển các khu đô thị kiểu mẫu, tiện ích cảnh quan đặc sắc. Đà Nẵng hoàn toàn có thể trở thành thành phố đáng sống của khu vực và thế giới và điều này phụ thuộc trước hết vào việc xây dựng chiến lược phát triển hạ tầng du lịch và hạ tầng đô thị xứng tầm.
“Nói đến Đà Nẵng cần nói đến quy hoạch trước một bước. Để trở thành thành phố đáng sống, trước hết, Đà Nẵng phải là một đô thị toàn cầu. Thành phố cần hoàn thiện quy hoạch đô thị hoàn chỉnh, không chỉ là thành phố du lịch, mà còn là thành phố đô thị loại 1 của miền Trung và Tây Nguyên, có vai trò vực dậy kinh tế miền Trung và mang tầm thế giới”, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính nêu vấn đề.
Định hướng quy hoạch đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, thông minh, sáng tạo, bản sắc, bền vững. Trong đó, đô thị Đà Nẵng sẽ hình thành 12 phân khu chức năng.
Phân khu ven sông Hàn và bờ Đông sẽ là khu đô thị hiện trạng , nhưng được cải tạo và tái thiết, hình thành đô thị nén khu vực trung tâm thành phố, tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, trong đó, trọng tâm là quảng trường trung tâm gắn với Trung tâm Hành chính Thành phố.
Phân khu ven vịnh Đà Nẵng bao gồm khu vực ven vịnh Đà Nẵng, là một phần quận Thanh Khê, quận Liên Chiểu. Định hướng là khu vực cải tạo và tái thiết đô thị, trở thành khu vực có phong cách sống hỗn hợp dành cho cư dân thu nhập tầm trung, kết hợp với các hoạt động thương mại và giải trí đa dạng. Đặc trưng của khu vực này là phát triển du lịch, vui chơi giải trí biển ven vịnh Đà Nẵng.
Phân khu đổi mới sáng tạo có trọng tâm khu đô thị đại học, trung tâm đổi mới sáng tạo, công viên phần mềm cùng hệ thống bệnh viện quốc tế, khu liên hợp thể thao Hòa Xuân và bến xe phía Nam.
Phân khu đô thị sườn đồi là không gian xanh được phân bố dọc theo khu vực đồi núi phía tây, với mật độ xây dựng thấp nhằm bảo đảm tầm nhìn hướng đến những ngọn núi phía tây…
Với những phân khu cụ thể như vậy, sẽ định hình tương lai và bản sắc cho đô thị Đà Nẵng. Với ý nghĩa quan trọng như thế, chính quyền TP. Đà Nẵng đã đốc thúc thực hiện nhanh các quy hoạch phân khu. Dự kiến, năm 2022, TP. Đà Nẵng sẽ thông qua 9 phân khu quy hoạch đô thị.
Đà Nẵng cũng đưa ra danh mục thu hút các dự án đầu tư vào các phân khu này. Theo đó, phân khu Cảng biển Liên Chiểu kêu gọi đầu tư logistics, như dự án 2 bến cảng (1 bến hàng container, 1 bến hàng tổng hợp) diện tích 45 ha; Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu quy mô đến 35 ha; trung tâm logistics ga hàng hóa Kim Liên quy mô 5 ha. Tại phân khu Sườn đồi, Đà Nẵng kêu gọi đầu tư dự án Khu tổ hợp đô thị thông minh - phi thuế quan trên diện tích 850 ha tại các xã Hòa Nhơn, Hòa Phú, Hòa Ninh của huyện Hòa Vang.
Tại phân khu Đổi mới sáng tạo phía Nam, Thành phố kêu gọi đầu tư dự án Không gian sáng tạo Hòa Xuân rộng hơn 17,2 ha (đất đã giải phóng mặt bằng) bao gồm khu công viên phần mềm hơn 99.000 m2, khu dịch vụ liên kết và kết hợp nhà ở hơn 73.000 m2. Tương tự, tại phân khu Công nghệ cao Đà Nẵng kêu gọi đầu tư dự án trung tâm dữ liệu và tổ hợp văn phòng, khu trưng bày triển lãm công nghệ thông tin rộng hơn 8,7 ha…
Quy hoạch phân phu có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để các dự án đi vào quy hoạch chi tiết. Khi có quy hoạch phân khu xong sẽ xác định ranh giới rõ ràng các dự án, nhà đầu tư có thể thực hiện quy hoạch 1/500 để tiến đến đấu giá sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Định hướng quy hoạch này được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm và đề xuất đầu tư các dự án lớn, trọng điểm tại các phân khu.
Với định hướng rất rõ ràng và nguồn nội lực mạnh mẽ cùng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, bản quy hoạch được xây dựng theo hướng hiện đại bằng việc cá thể hóa chức năng của các phân khu, Đà Nẵng đang rút ngắn khoảng cách từ “đáng đến” đến “đáng sống”.
Trong kết luận buổi làm việc với lãnh đạo TP. Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thống nhất với việc xác định 3 trụ cột cần tập trung phát triển trong Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thành phố.
Tuy nhiên, để cụ thể hóa quan điểm của Đảng về vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng cần nghiên cứu bổ sung thêm quan điểm: “Phát triển văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội và gắn với phát triển du lịch, là một trong các trụ cột quan trọng trong định hướng phát triển TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.