Du lịch
Tạo cơ chế liên kết hàng không - du lịch cấp quốc gia
Bảo Như - 17/06/2024 08:01
Cần sự ngồi lại của ba bên: địa phương - du lịch - hàng không, dưới sự điều phối chung của Chính phủ để bàn kế hoạch hợp tác ngắn hạn và lâu dài, trên cơ sở chia sẻ lợi ích và trách nhiệm giữa các bên.
Du lịch bằng hàng không chiếm tỷ lệ ngày càng cao, bởi thế cần liên kết giữa hàng không, du lịch và điểm đến để cùng phát triển

Hãng bay thiếu động lực

“Hàng không và du lịch được ví như hai cánh của một chiếc máy bay. Đây là hình ảnh thể hiện mối quan hệ hữu cơ, gắn bó mật thiết không thể tách rời nhau giữa hai ngành”, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours nhấn mạnh tại Hội thảo: Hàng không - Du lịch bắt tay liên kết phát triển bền vững, tổ chức giữa tuần này.

Theo CEO Flamingo Redtours, ngành du lịch không thể phát triển nếu không có dịch vụ vận chuyển bằng hàng không, bởi du khách ngày càng mong muốn được khám phá những vùng đất xa hơn, được trải nghiệm các dịch vụ tiện nghi hơn, thời gian dành cho việc di chuyển ít hơn, mà chỉ có hàng không mới có thể đáp ứng được.

Ngược lại, đối với ngành hàng không, khách bay có mục đích liên quan tới du lịch chiếm tỷ lệ cao và ngày càng tăng. Khách du lịch đóng vai trò quyết định sự tồn tại hay không tồn tại, cũng như tần xuất khai thác của rất nhiều đường bay.

Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist chia sẻ, các sản phẩm du lịch liên quan đường bay thường chiếm hơn 60% tổng số các sản phẩm dịch vụ du lịch.

Theo ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, để việc liên kết xúc tiến, quảng bá giữa du lịch và hàng không có hiệu quả lâu dài, các bên cần đảm bảo các yếu tố:

Thứ nhất là chiến lược kinh doanh, năng lực phát triển thị trường nguồn khách và quy mô kênh bán của các bên, nhằm xác định đúng thị trường cần xúc tiến và đối tượng khách hàng - sản phẩm du lịch phù hợp.

Thứ hai là cam kết về nguồn lực và chính sách đầu tư dài hạn về phát triển, mở rộng phân khúc thị trường - tần suất đường bay - sản phẩm.

Thứ ba là chính sách ưu đãi, khuyến mãi, kích cầu áp dụng theo các giai đoạn phù hợp.

Để đảm bảo các sản phẩm mới được thương mại hóa trên thị trường và tiếp tục thu hút du khách, chính sách giá cạnh tranh và ổn định có vai trò rất quan trọng để chiếm lĩnh thị phần khách hàng. Thông thường, một sản phẩm du lịch mới, cần 1 - 2 năm để tạo dựng thương hiệu và cần có chính sách ổn định từ phía các hãng hàng không, cộng thêm chính sách kích cầu trong giai đoạn đầu.

Hiện nay, giá vé máy bay liên tục tăng cao, đồng nghĩa với việc giảm sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam đối với cả du khách trong nước và quốc tế; làm giảm phần nào nhu cầu đi lại và du khách sẽ tìm kiếm các lựa chọn thay thế với những phương tiện phù hợp hơn và điểm đến gần hơn. Trên thực tế, Saigontourist đã phải linh hoạt mở rộng các sản phẩm tour đường bộ, đường sắt, tuyến cao tốc, các gói combo, dịch vụ lẻ khởi hành tại 18 địa phương mà Công ty có chi nhánh.

“Về lâu dài, điều này có thể làm suy giảm sức cạnh tranh và sức hút của du lịch Việt Nam với du khách quốc tế cũng như nội địa. Thói quen chờ các đợt kích cầu, giảm giá sẽ gây ra ảnh hưởng không mong muốn với thị trường du lịch”, đại diện Saigontourist lo ngại.

Ở góc nhìn khác, ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Bamboo Airways thừa nhận, giá vé máy bay tăng so với giai đoạn 2021 - 2022, trong đó có nguyên nhân là việc số lượng máy bay của các hãng đã giảm rất mạnh. Hiện tổng số máy bay của các hãng đang khai thác chỉ còn khoảng 160 chiếc, so với hơn 240 chiếc vào cuối năm 2023, lượng máy bay thiếu hụt tại thị trường nội địa lên tới 60-70 chiếc.

Theo ông Nam, số lượng máy bay trên thế giới vẫn còn nhiều, chỉ cần trả giá cao hơn thì chúng ta có thể bù đắp số lượng máy bay đang thiếu (thủ tục thuê ướt 2 tuần đến 1 tháng, thuê khô 3 tháng).

“Thế nhưng, vì sao các hãng không cố gắng đưa thêm máy bay về?”, ông Nam nêu vấn đề và cho biết, các hãng bay hiện không có động lực kinh doanh, bởi bay càng nhiều thì lỗ càng nhiều, trong đó rào cản lớn nhất chính là quy định trần giá vé máy bay nội địa. 

Hợp tác ba bên

Theo bà Lương Thị Hoàng Lan, Giám đốc kinh doanh Khối du lịch nghỉ dưỡng (Tập đoàn Sun Group), bên cạnh mối quan hệ giữa hãng bay và doanh nghiệp du lịch, cần có thêm vai trò của các địa phương điểm đến.

“Mối liên kết 3 bên này không chỉ đem lại lợi ích cho các bên, quảng bá thương hiệu và hình ảnh điểm đến, mà còn góp phần lan tỏa, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung đến bạn bè quốc tế”, bà Lan đánh giá.

Đại diện Sun Group nói thêm, mặc dù có một số kết quả tích cực từ sự liên kết với địa phương, hàng không, song những sự liên kết hiện có vẫn chưa mang tính tổng thể và quy mô quốc gia để có thể tạo nên hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, trong đó phải đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp hàng không và doanh nghiệp du lịch.

Để khắc phục tình trạng này, cần sớm có kế hoạch liên kết tổng thể quy mô quốc gia, trong đó cần có vai trò “nhạc trưởng” của cơ quan quản lý nhà nước cấp cao là Chính phủ hoặc Cục Du lịch quốc gia Việt Nam để bàn kế hoạch hợp tác ngắn hạn và lâu dài, trên cơ sở chia sẻ lợi ích và trách nhiệm giữa các bên.

“Không chỉ hàng không và du lịch cần đưa ra chính sách giá tốt, mà các địa phương/điểm đến cũng cần đưa ra những chính sách ưu đãi giá hợp lý (về nghỉ dưỡng, vận chuyển, nhà hàng…) để tạo điều kiện xây dựng những chương trình, combo sản phẩm nghỉ dưỡng chất lượng với mức giá ưu đãi, bao gồm cả vé máy bay, phòng khách sạn và tour du lịch. Phương án này giúp cả ba bên: địa phương, hàng không và du lịch cùng có lợi, ổn định về lượng khách và đạt hiệu quả cao nhất”, đại diện Sun Group phân tích.

Tin liên quan
Tin khác