Vì thanh niên lập nghiệp
Nhận thức rõ tầm quan trọng của tín dụng ưu đãi, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Ngân hàng Chính sách xã hội đã ký Chương trình Liên tịch 283/VBLT về việc tổ chức thực hiện nhận ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Trên cơ sở đó, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã chỉ đạo các tỉnh, thành đoàn chỉ đạo các tổ chức đoàn cơ sở thực hiện tốt các công đoạn ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội; triển khai thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là một số tỉnh có chất lượng tín dụng chưa cao.
Nhờ vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều đoàn viên, thanh niên trên cả nước đã lập nghiệp, thoát nghèo thành công. |
Trong công tác tập huấn, kiểm tra, đánh giá kết quả nhận ủy thác tín dụng chính sách, trao đổi giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn cùng cán bộ đoàn cơ sở… Bên cạnh đó, kết hợp lồng ghép các chương trình tập huấn giảm nghèo, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật giúp người sử dụng vốn vay hiệu quả, góp phần tạo việc làm lập thân, lập nghiệp cho thanh niên nông thôn.
Từ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ thanh niên nghèo, cận nghèo đã có điều kiện phát triển chăn nuôi, trồng trọt, tạo thêm việc làm cho gia đình. Nhiều hộ có điều kiện đưa giống mới năng suất cao vào sản xuất, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Đặc biệt, nhiều hộ nghèo từ làm ăn nhỏ, lẻ đã phát triển trở thành các chủ trang trại có quy mô lớn, sản xuất hàng hóa, thu hút nhiều lao động và việc làm ổn định và giúp được nhiều hộ khác thoát nghèo.
Tỉnh đoàn Nghệ An là một trong những đơn vị thực hiện tốt hoạt động ủy thác vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Hiện tổng dư nợ trong thanh niên tại Nghệ An là 863 tỷ đồng, giải quyết cho hơn 28.000 hộ thanh niên được vay vốn. Toàn tỉnh có hơn 1.250 mô hình thanh niên phát triển kinh tế cho thu nhập ổn định và giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Quỹ Thanh niên lập nghiệp Nghệ An đang cho 16 dự án vay, với tổng số vốn gần 1,7 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 300 lao động. Hàng năm, Nghệ An có từ 6 đến 8 gương thanh niên được xét tặng Giải thưởng Lương Định Của cấp toàn quốc.
Gắn kết từ cơ sở
Là một trong 4 đơn vị thực hiện ủy thác vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đến nay tổng dư nợ nhận ủy thác qua tổ chức Đoàn Thanh niên trên địa bàn huyện Vị Xuyên (Hà Giang) đạt trên 24 tỷ đồng, với 2.366 hộ thanh niên được vay vốn.
Hiện nay, tổng dư nợ vốn ủy thác do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quản lý đạt hơn 19.260 tỷ đồng, với trên 831.000 hộ đoàn viên thanh niên được vay vốn ở 24.019 tổ tiết kiệm và vay vốn.
Các chương trình cho vay có dư nợ cao như: hộ nghèo là 4.740 tỷ đồng; hộ cận nghèo 2.760 tỷ đồng; học sinh sinh viên gần 2.400 tỷ đồng; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn 2.205 tỷ đồng; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 2.080 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 357 tỷ đồng…
Bí thư Huyện đoàn Vị Xuyên, Hoàng Thị Thanh Huyền khẳng định: “Tín dụng chính sách đã có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào thanh niên ở địa phương, tạo sự gắn kết giữa thanh niên với tổ chức đoàn. Trong quá trình thực hiện ủy thác vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, cán bộ đoàn nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của thanh niên. Các thanh niên có nhu cầu vay vốn được cán bộ đoàn phối hợp cùng cán bộ ngân hàng tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ. Nhờ vậy, đã thu hút thanh niên ngày càng gắn kết với các cơ sở đoàn, qua đó đưa công tác đoàn và phong trào thanh niên ngày càng đi vào thực chất...”.
Theo lãnh đạo Đoàn Thanh niên tỉnh Sơn La, nếu không có nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội thì rất khó thúc đẩy tư duy đổi mới của thanh niên nông thôn, việc triển khai phong trào thi đua tuổi trẻ sản xuất - kinh doanh giỏi sẽ gặp khó khăn. Thực tế cho thấy, nơi nào cơ sở đoàn quan tâm đến khởi nghiệp, đến nguồn vốn vay, thì thanh niên địa phương đó mới được tạo điều kiện tốt. Điều đáng mừng là, có nhiều cán bộ đoàn làm kinh tế giỏi, họ xông xáo, đi đầu và là tấm gương cho thanh niên địa phương noi theo.
Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác đoàn có đặc thù là luân chuyển sang các công tác khác khá nhanh, “đầu vào” cũng rất đa dạng. Việc tham gia công tác nhận ủy thác vốn vay đã giúp họ trau dồi thêm kiến thức, có kỹ năng, phương pháp làm việc liên quan đến hoạt động kinh tế, quản lý nhà nước để hiểu thực tế hơn với các công việc sau này.
Thêm một điểm cộng nữa là, công tác ủy thác vốn ưu đãi đã giúp cho việc nhìn nhận, đánh giá của các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác đoàn và phong trào thanh niên ngày càng đi vào thực chất, sự gắn kết giữa cơ sơ đoàn và thành niên ngày càng vững chắc.