Với những chính sách đặc thù, Cần Thơ được kỳ vọng sẽ phát triển nhanh, bền vững và tạo động lực lan tỏa |
Để chính sách mới có thể ra đời
93% đại biểu Quốc hội đã chọn nút tán thành ban hành Nghị quyết Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ trong phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất vừa qua.
Tỷ lệ phiếu thuận rất cao, song không có nghĩa là quá trình xây dựng chính sách hoàn toàn thông đồng bén giọt, dù rằng, trước Cần Thơ, ngay cả những địa phương chưa phải thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã được Quốc hội cho phép thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù.
Và, không hoàn toàn trùng khớp, nhưng cứ hễ nhắc đến “cơ chế đặc thù” thì thông tin quen thuộc sẽ là nâng mức dư nợ vay; thí điểm phí và lệ phí; phân cấp quản lý đất đai, quy hoạch; tăng thu nhập cho cán bộ, công chức...
Cần Thơ cũng không là ngoại lệ, nhưng với quan điểm phát triển trở thành đô thị hạt nhân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có vai trò đầu tàu kéo theo sự phát triển của Vùng, thì thành phố này cần nhiều hơn những cơ chế tương đồng với các nơi khác.
Bởi thế, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt lên bàn nghị sự Dự thảo Nghị quyết tại phiên họp tháng 12/2021, đã có 2 nội dung mới, là quy định khác biệt so với các cơ chế đặc thù đã áp dụng đối với một số địa phương trước đó.
Hai nội dung đó là chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với Dự án Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.
Đây cũng là vấn đề liên quan đến nhiều đạo luật, bao gồm Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Hải quan, Luật Đất đai… và đều thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Vì thế, phải qua hai lần xem xét, hai chính sách khác biệt này mới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội gật đầu trình ra Quốc hội.
Cũng phải nói thêm rằng, để đại biểu có căn cứ thảo luận, thì không chỉ có tờ trình và báo cáo thẩm tra, mà hồ sơ Dự án có đến hơn một chục loại tài liệu. Trong đó, riêng Báo cáo Đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội và xây dưng phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã có dung lượng 78 trang, gần 44.000 chữ. Hay, Đề án Thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển TP. Cần Thơ cũng lên tới cả gần 20.000 chữ.
Tuy nhiên, khi Quốc hội thảo luận ở tổ, vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn, thậm chí là lo ngại việc áp dụng ưu đãi đặc biệt cho nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ có thể sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng chính sách, tạo tiền lệ cho các trường hợp nạo vét luồng hàng hải tương tự khác.
Với Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ, đại biểu cho rằng, tổ chức thực hiện cần bảo đảm chặt chẽ, tránh gian lận thương mại, lợi dụng chính sách; cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện ngay sau khi được Quốc hội thông qua.
Những ý kiến này ngay sau đó đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình bằng văn bản, gửi đến tất cả các vị đại biểu Quốc hội.
Thảo luận tại hội trường, một số vị đại biểu tiếp tục đề nghị làm rõ thêm một số vấn đề để chính sách ra đời có thể đi vào cuộc sống như mong đợi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình đầy đủ trước khi Quốc hội bấm nút.
Cơ chế đột phá đã rõ hình hài
Mỗi cơ chế khác biệt của Cần Thơ được nêu ở một điều riêng trong Nghị quyết của Quốc hội.
Cụ thể, Điều 7 quy định: Dự án Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ theo phương thức xã hội hóa, đáp ứng các điều kiện: bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng của Thành phố và có quy mô vốn từ 500 tỷ đồng trở lên được áp dụng hình thức ưu đãi đầu tư sau đây:
a) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Thời gian bắt đầu hưởng ưu đãi, điều kiện áp dụng ưu đãi thuế, thu nhập được hưởng ưu đãi quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
b) Miễn tiền thuê đất trong 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất cho thời gian còn lại đối với diện tích đất được thuê để đổ chất nạo vét của dự án.
Điều 8 nêu rõ: Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ là khu vực có ranh giới địa lý xác định được Thủ tướng Chính phủ thành lập phù hợp với các quy hoạch có liên quan, để thu hút dự án đầu tư trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông, thủy sản.
Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm.
Doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Trung tâm được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan và thủ tục về thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Trung tâm khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế trong 2 năm liên tục;
b) Thực hiện thủ tục hải quan điện tử, thủ tục thuế điện tử; có chương trình công nghệ thông tin quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp nối mạng với cơ quan hải quan;
c) Thực hiện thanh toán qua ngân hàng;
d) Có hệ thống kiểm soát nội bộ;
đ) Chấp hành tốt quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán.
3. Dự án đầu tư tại Trung tâm được áp dụng hình thức ưu đãi đầu tư sau đây:
a) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư tại Trung tâm được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Thời gian bắt đầu hưởng ưu đãi, điều kiện áp dụng ưu đãi thuế, thu nhập được hưởng ưu đãi quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
b) Miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản tối đa không quá 3 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất; sau thời gian miễn tiền thuê đất của thời gian xây dựng cơ bản, được miễn tiền thuê đất 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất trong 7 năm tiếp theo.
Hai cơ chế mang tính đột phá nói trên, cùng với chính sách được Quốc hội quyết định, theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sẽ tạo ra các động lực tăng trưởng mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội TP. Cần Thơ.
Chính sách đã rõ hình hài, giờ là lúc các vị đại diện cho dân theo sát lời hứa của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định khi tiếp thu ý kiến đại biểu. Đó là, “trong quá trình chỉ đạo điều hành của Chính phủ sẽ làm sao phát huy được tốt nhất các cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã cho Cần Thơ áp dụng, đảm bảo mang lại những hiệu quả cao nhất cho Thành phố cũng như cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
GRDP/người của Cần Thơ sẽ đạt trên 10.000 USD vào năm 2030
Theo tính toán của UBND TP. Cần Thơ, nếu có các cơ chế, chính sách phát triển đặc thù, giai đoạn 2021 - 2030, Cần Thơ có thể tăng trưởng GRDP đạt mức trên 7%. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%/năm. GRDP/người đạt trên 10.000 USD vào năm 2030, về cơ bản không còn hộ nghèo, tỷ lệ đô thị hóa đạt 80%.