Ngoài các hỗ trợ đào tạo nghề hiện tại, Plan International còn hướng tới xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến miễn phí cho những người yếu thế để họ có cơ hội nghề nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0. |
Theo đó, nền tảng này sẽ mang tên YES!Academy, một nền tảng giáo dục mở, trực tuyến và miễn phí. Tại đây, thanh thiếu niên có thể theo học những khóa học về kỹ năng sống để xây dựng sự tự tin, cũng như tham gia các khóa đào tạo nghề.
Thêm vào đó, hệ thống YES!Hub sẽ giúp các học viên trên toàn thế giới có thể kết nối, trao đổi, cùng nhau học tập, chia sẻ kiến thức và các công cụ, bao gồm công cụ Market Scan (thăm dò thị trường) mà Plan đã sử dụng để xác định những khu vực thiếu nguồn lực nhằm đưa các thanh niên có hoàn cảnh khó khăn đã được đào tạo vào lao động.
Nền tảng này còn có thêm hệ thống YES!ME được thiết kế để giám sát quá trình các học viên tham gia đào tạo, qua đó thu thập số liệu nhằm giúp đo lường và tối đa hóa hiệu quả của chương trình.
“Đây là sự kết hợp của những giải pháp kỹ thuật số nhằm tăng khả năng lao động của những người thiệt thòi nhất. Chúng tôi coi trọng vai trò của phụ nữ trẻ và thanh tniên có hoàn cảnh khó khăn và cam kết họ không bị bỏ rơi trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này”, ông Johb Barrett, Quản lý Chương trình kỹ năng và cơ hội việc làm cho thanh niên của tổ chức Plan International nói.
Ông Johb cũng khẳng định, khi hệ sinh thái kỹ thuật số được nhân rộng, dự án này sẽ được triển khai thực hiện tại khắp các nước ASEAN.
Chương trình này được triển khai trong bối cảnh, khảo sát với 56.000 công dân ASEAN ở độ tuổi từ 15 – 35 đưa ra tại hội thảo cho thấy, có khoảng 9% tin rằng kỹ năng hiện tại của họ đã lỗi thời, trong khi 52% trả lời rằng họ cần nâng cao kỹ năng liên tục và chỉ có khoảng 18% cho rằng kỹ năng hiện tại của họ có thể giúp ích cho bản thân từ nay về sau.
Hiện, khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng đang được nhận định là một thị trường lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin vô cùng tiềm năng.
Tuy nhiên, khảo sát của tổ chức Plan International cũng cho thấy, dự báo năm 2020, lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam cần tới 530.000 lao động, mở ra nhiều cơ hội cho tất cả mọi người, đặc biệt là thanh thiếu niên. Tuy nhiên, lĩnh vực công nghệ thông tin hiện đang mất cân bằng giới nghiêm trọng khi lực lượng lao động là nam giới chiếm 70-80%, trong khi nữ giới chỉ chiếm 20-30%.
Nguyên nhân chính xuất phát từ các định kiến xã hội về phân chia lao động theo giới, khuôn mẫu giới trong các chương trình đào tạo công nghệ thông tin hay văn hóa doanh nghiệp. Do đó, trang bị kiến thức và kỹ năng số cho phụ nữ và thanh niên có hoàn cảnh khó khăn là một một việc quan trọng nhằm đảm bảo mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau.
Plan International là tổ chức phát triển nhân đạo quốc tế, tập trung vào trẻ em. Tại Việt Nam, Plan International đã thực hiện nhiều dự án hỗ trợ từ năm 1993.
Hiện, Plan International Việt Nam đã và đang hỗ trợ cải thiện đời sống cho hơn 350.000 trẻ em, các gia đình và cộng đồng trên 131 xã thuộc 10 tỉnh thành. Tại Việt Nam, Plan International hợp tác với cộng đồng địa phương, các tổ chức và cơ quan chính quyền các cấp.