Đầu tư
Tạo tác động lan tỏa từ doanh nghiệp FDI
Hà Nguyễn - 24/10/2014 06:41
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư nhân Đại hội lần thứ 4, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nhiệm kỳ 2014 - 2018, diễn ra hôm nay (24/10) tại Hà Nội, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, trong nhiệm kỳ tới, VAFIE sẽ tập trung hơn vào việc tạo tác động lan tỏa từ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tới doanh nghiệp trong nước.
TIN LIÊN QUAN

Thưa ông, để nhìn lại, thì trong nhiệm kỳ vừa qua, Hiệp hội đã làm được những gì?

Trong nhiệm kỳ 3, Hiệp hội đã tích cực, chủ động tham gia việc hình thành và hoàn thiện thể chế kinh tế có liên quan đến đầu tư nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp hội viên trong việc tư vấn pháp luật và bảo vệ quyền lợi hợp pháp…

   
  GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE)  

Cụ thể, chúng tôi đã tích cực tham gia công tác tổng kết 25 năm thu hút FDI ngay từ khâu hình thành ý tưởng, đến việc xây dựng đề cương, khảo sát thực trạng tại nhiều địa phương, soạn thảo báo cáo tổng kết, cũng như soạn thảo và hoàn chỉnh Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI trong thời gian tới…

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đã chủ động lấy ý kiến hội viên về Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và gần đây là sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, dự kiến được thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này. Nhiều hội thảo, diễn đàn liên quan đến FDI, xúc tiến đầu tư và thương mại… cũng đã được Hiệp hội phối hợp tổ chức.

Có thể nói, cùng với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hội viên, như hỗ trợ giải quyết các thủ tục đầu tư, triển khai dự án đầu tư, giải quyết các vướng mắc trong kinh doanh, như niêm yết thanh toán bằng USD của các khách sạn cao cấp, thuế với sản phẩm điện tử, điện lạnh…, thì trong nhiệm kỳ vừa qua, Hiệp hội đã có những đóng góp tích cực.

Nhờ vậy, vị thế của Hiệp hội được đề cao. Những năm gần đây, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam đều tới Hiệp hội để nhận được các tham vấn về cơ chế, chính sách, cơ hội đầu tư tại Việt Nam…

Vậy trong nhiệm kỳ tới, Hiệp hội đặt trọng tâm công tác của mình là gì, thưa ông?

Trước hết, vẫn phải là tiếp tục đóng góp tốt hơn vào việc xây dựng thể chế kinh tế, nhất là chính sách, pháp luật có liên quan đến FDI, tạo hành lang thông thoáng cho kinh doanh và đầu tư, góp phần thiết thực vào việc thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tốc độ tăng trưởng, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội theo hướng phát triển bền vững. Rồi nâng cao năng lực của các tổ chức chuyên môn của Hiệp hội để thực hiện tốt hơn chức năng bảo vệ quyền lợi của các hội viên…

Một điều quan trọng, theo tôi, đó là chưa bao giờ Việt Nam có cơ hội lớn như vậy để thu hút các tập đoàn đa quốc gia (TNCs) đến đầu tư, biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất của họ. Tranh thủ thời cơ lớn với việc thu hút các TNCs công nghệ cao hơn là nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan nhà nước và địa phương, nhưng Hiệp hội, với vai trò và trách nhiệm của mình, cũng sẽ tích cực tham gia quá trình này, quảng bá hình ảnh đất nước, khẳng định lợi thế và môi trường đầu tư hấp dẫn của Việt Nam… Làm sao để biến cơ hội thành hiện thực, không phải năm nay, thì sang năm hay 5 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành cứ điểm sản xuất của các TNCs công nghệ cao.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm một điều, đó là một trong những nhược điểm của thu hút FDI là tác động lan tỏa còn hạn chế, các doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia có hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Do vậy, thời gian tới, Hiệp hội cũng sẽ nỗ lực để chuyển hướng từ các hoạt động xúc tiến đầu tư sang coi trọng tạo tác động lan tỏa tới doanh nghiệp trong nước.

Điều này có lẽ quan trọng hơn cả những gì mà chúng ta đang có: 25% vốn đầu tư toàn xã hội, 45% giá trị sản xuất công nghiệp, 65% giá trị xuất khẩu, 19% GDP, 20% thu ngân sách từ khu vực FDI. Chúng tôi đã và đang hợp tác với Samsung trong phát triển công nghiệp hỗ trợ, tới đây sẽ đẩy mạnh hợp tác với cả các đối tác khác.

Thưa ông, thời gian gần đây, vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều về những đóng góp của khu vực FDI. Với tư cách là Chủ tịch VAFIE, ông nghĩ sao về điều này và tới đây, Hiệp hội sẽ làm gì để dư luận xã hội có cái nhìn khách quan hơn về FDI?

Đánh giá về khu vực này, phải quay trở về với thời điểm gần 30 năm trước, khi đất nước bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới. Lúc đấy, nói về Việt Nam, dư luận quốc tế thường nhắc đến Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 1987. Đây chính là dự luật đã góp phần quan trọng kích hoạt FDI đổ vào Việt Nam.

Bây giờ nhìn lại, nhiều quan điểm lo ngại khu vực FDI lấn sân, chiếm thị phần của doanh nghiệp Việt, nhưng đó là cái nhìn phiến diện. Chúng ta có quyền không nhận FDI, nhưng nếu không có FDI, Việt Nam không thể phát triển được như hôm nay. FDI có những đóng góp to lớn ngay trong thời kỳ đầu và trong thời điểm hiện nay, có thể nói, chính nhờ có FDI, Việt Nam mới giảm thiểu được tác động của khủng hoảng kinh tế. Trong 4 động lực tăng trưởng, thì chỉ có khu vực FDI đang vận hành tốt, đóng góp ngày càng tích cực vào tăng trưởng kinh tế.

Chúng ta không coi nhẹ những tiêu cực của FDI, về môi trường, chuyển giá, trốn thuế…, nhưng lấy những cái đó để đánh giá như một phần chủ yếu của FDI là hết sức sai lầm. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, giờ không phải là lúc kỳ thị, đánh giá thấp khu vực FDI, mà phải làm sao để động lực tăng trưởng này cùng với ba động lực khác là khu vực nông nghiệp, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, tạo thành hợp lực phát triển với tốc độ nhanh, hiệu quả kinh tế - xã hội cao theo hướng bền vững. Thời gian tới, Hiệp hội, cũng sẽ nỗ lực để dư luận xã hội có cách tiếp cận khách quan hơn, đánh giá đúng hơn về FDI.

TIN LIÊN QUAN
Doanh nghiệp FDI bỏ trốn: Chủ ra đi, nợ ở lại
Doanh nghiệp FDI kéo đầu tàu xuất khẩu
DN FDI được mở tài khoản vốn bằng ngoại tệ và VND
Lộ diện đối thủ cạnh tranh mới về thu hút FDI
Vì sao doanh nghiệp FDI sống khỏe?
Doanh nghiệp FDI có lấn át doanh nghiệp trong nước

Tin liên quan
Tin khác