Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (Vinaruco, mã chứng khoán: VRG – sàn UPCOM) vừa công bố thông tin về quyết định phê duyệt phương án thoái vốn của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP (Mã chứng khoán: GVR – sàn HOSE).
Theo đó, GVR và các đơn vị thành viên quyết định bán toàn bộ cổ phần của VRG, được biết hiện tại GVR và các công ty thành viên đang sở hữu 15,38 triệu cổ phiếu VRG, tương ứng khoảng 59,41% vốn điều lệ tại Vinaruco.
Giá chào bán chưa được công bố, tuy nhiên giá khởi điểm được lấy theo chứng thư thẩm định giá. Trong trường hợp giá thẩm định thấp hơn giá tham chiếu bình quân 30 phiên giao dịch liên tiếp trên sàn thì giá khởi điểm thực hiện chuyển nhượng vốn là mức giá tham chiếu bình quân.
GVR và nhóm công ty thành viên dự kiến sẽ thoái ra trong năm 2020.
Nguồn: Internet |
Được biết, VRG được thành lập năm 2005 với vốn điều lệ 80 tỷ đồng, doanh nghiệp được góp bởi 4 cổ đông. Trong đó, GVR là công ty mẹ.
Doanh nghiệp chủ yếu hoạt động tại KCN Cộng Hòa, Chí Linh, Hải Dương với ngành nghề là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Điểm đáng lưu ý là quỹ đất hiện nay của doanh nghiệp có giới hạn, tỷ lệ lắp đầy cao, doanh nghiệp sẽ không còn nguồn cung đất cho thuê, việc mở rộng quy mô của dự án sẽ phụ thuộc rất nhiều vào đề án và chính sách quy hoạch của tỉnh Hải Dương.
Tính tới 30/06/2020, VRG đang sở hữu 290,3 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, chiếm gần 43% tổng tài sản. Doanh nghiệp thuyết minh đây là chi phí xây dựng cơ bản dở dang KCN Cộng Hòa với tổng vốn đầu tư hơn 834 tỷ đồng, tiến độ thực hiện dự án được chia làm 2 giai đoạn.
Trong giai đoạn 1 tính từ ngày cấp phép 04/2008 đến năm 2019 và giai đoạn 2 từ năm 2020 đến năm 2021.
Có thể thấy hạn chế lớn nhất của VRG là quỹ đất hạn chế, sau giai đoạn năm 2021 việc khai thác hết quỹ đất sẽ là bài toán không nhỏ đối với doanh nghiệp.
Ở một diễn biến khác liên quan tới GVR, gần đây sau khi niêm yết đủ 6 tháng trên HOSE, cổ phiếu GVR cũng chính thức được cấp margin.
Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, GVR ghi nhận doanh thu là 6.060,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 850 tỷ đồng, lần lượt giảm 20,4% và 19,7% so với 6 tháng đầu năm 2019. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm doanh nghiệp hoàn thành được 21,1% kế hoạch lợi nhuận năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, biên lợi nhuận gộp tăng từ 18,6% lên 20,2% và biên lợi nhuận ròng tăng từ 13,9% lên 14%. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, GVR chỉ ghi nhận thu nhập khác là 240,3 tỷ đồng, cùng kỳ là 525,1 tỷ đồng, giảm tới 54,2%.
Năm 2020, GVR đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu là 24.647 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 4.029 tỷ đồng, lần lượt tăng 7,8% và 5,1% so với thực hiện năm 2019. Ngoài ra, doanh nghiệp còn dự kiến tỷ lệ cổ tức 6% như năm 2019.
Điểm đáng lưu ý trong báo cáo là dòng tiền hoạt động kinh doanh chính trong 6 tháng đầu năm âm tới 1.042,1 tỷ đồng, so với cùng kỳ dương 967,9 tỷ đồng.
Tính tới 30/06/2020, tổng tài sản của doanh nghiệp giảm 0,7% về mức 77.969,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tài sản cố định trị giá 31.020,9 tỷ đồng, chiếm 39,8% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn là 17.925,9 tỷ đồng, chiếm 23% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn là 13.697,2 tỷ đồng, chiếm 17,6% tổng tài sản; tồn kho là 3.515,2 tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng tài sản.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 06/10, cổ phiếu VRG tăng 300 đồng lên 19.000 đồng/cổ phiếu, trong khi đó cổ phiếu GVR giảm 100 đồng về 12.900 đồng/cổ phiếu.