Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã GVR - HoSE) vừa ra nghị quyết điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đều giảm so với mục tiêu đầu năm, lần lượt gần 12% và 21,13%, còn 24.243 tỷ đồng và 3.363 tỷ đồng.
Dù điều chỉnh kế hoạch kinh doanh hợp nhất, Hội đồng quản trị đã thống nhất vẫn phải hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty mẹ đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên giao với doanh thu 3.792 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.395 tỷ đồng.
Đây không phải lần đầu Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam điều chỉnh kế hoạch kinh doanh sát thời điểm kết thúc năm tài chính. Năm 2022, tập đoàn này hạ cả hai chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận khi chỉ ít ngày nữa là kết thúc năm 2022. Mức giảm thậm chí còn lớn hơn với doanh thu và lợi nhuận sau điều chỉnh giảm 24% và 27%.
Nguyên nhân khi đó được đề cập là bởi xung đột của một số nước trên thế giới đã ảnh hưởng đến tiêu thụ và giá bán các sản phẩm chính thức. Ngoài ra, Tập đoàn cũng chưa thoái vốn được như kế hoạch được giao. Các đơn vị thành viên của Tập đoàn chưa thực hiện được bàn giao đất do đang trong thời gian chờ đợi quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Một vấn đề khác là Tập đoàn phải lập dự phòng do suy giảm giá trị đầu tư sang Lào vì sự suy giảm của đồng Kip Lào trong kỳ lập báo cáo.
Lũy kế trong năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 25.315,2 tỷ đồng, giảm 3,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 4.797,89 tỷ đồng, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Dù "đi lùi", kết quả thực hiện vẫn vượt con số kế hoạch đã điều chỉnh giảm.
Nếu hoàn thành đạt mức kế hoạch sau điều chỉnh, tập đoàn sẽ ghi nhận năm thứ hai liên tiếp “đi lùi” trong kết quả hoạt động kinh doanh. Khả năng "lội ngược dòng" đạt tăng trưởng không mấy dễ dàng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần hợp nhất của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đạt gần 14.503 tỷ đồng, giảm 11,2% so với cùng kỳ và hoàn thành chưa đến 60% kế hoạch sau điều chỉnh. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 1.954 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước và cũng chỉ mới hoàn thành ở mức 58% mục tiêu vừa hạ xuống.
Mảng kinh doanh mang về nguồn thu lớn nhất là sản xuất mủ cao su. Mảng chế biến gỗ mang về 558 tỷ đồng trong quý III/2023 nhưng do phần được chia từ lỗ của công ty liên kết lên tới 276 tỷ đồng đã kéo mảng này thua lỗ 243 tỷ đồng trong quý vừa qua. Sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ cao su cũng ở tình trạng thu không đủ bù chi. Trong khi đó, xây dựng, bất động sản, cơ sở hạ tầng là mảng kinh doanh mang về thu nhập trước thuế cao thứ hai trong cơ cấu hoạt động của tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có quy mô lớn với tổng tài sản xấp xỉ 77.800 tỷ đồng, vốn điều lệ 40.000 tỷ đồng. Phần lớn tài sản của tập đoàn đang nằm ở các tài sản cố định (chủ yếu là vườn cây kinh doanh – xấp xỉ 25.820 tỷ đồng) cùng các khoản tiền và tiền gửi ngân hàng (gần 16.300 tỷ đồng).
Theo kế hoạch phân phối lợi nhuận dựa trên kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty mẹ (không thay đổi), tập đoàn dự kiến chi trả cổ tức ở mức 3%, tương đương số tiền cổ tức 1.200 tỷ đồng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/12, cổ phiếu GVR đóng cửa giá 20.250 đồng/cổ phiếu, tăng 1,78% so với hôm qua. Tương ứng, vốn hoá thị trường của tập đoàn xấp xỉ 81.000 tỷ đồng.