Sau 3 năm được kiểm tra định kỳ, sức khỏe của các nhà thầu xây lắp giao thông đã tốt hơn, nhưng vẫn còn khá nhiều tên tuổi lớn bị liệt vào dạng “chưa đáp ứng được yêu cầu”.
Kênh sàng lọc nhà thầu
Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông vừa ký Quyết định 1450/QĐ - BGTVT về việc đánh giá kết quả thực hiện của nhà thầu xây lắp tham gia các dự án xây dựng giao thông sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định đầu tư trong năm 2014. Đây là năm thứ ba liên tiếp, Bộ GTVT tiến hành đánh giá, phân loại các nhà thầu xây lắp, giúp các chủ đầu tư trong ngành có thêm kênh thông tin quan trọng để lựa chọn nhà thầu xây lắp đối với các dự án đầu tư.
Việc Bộ GTVT siết chặt công tác đấu thầu giúp chất lượng các nhà thầu tốt dần lên khi thi công trên thực địa. Ảnh: Đức Thanh |
Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng công trình giao thông (đơn vị được giao chủ trì tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện của nhà thầu xây lắp) cho biết, các tiêu chí đánh giá nhà thầu xây lắp mà Bộ GTVT đưa ra đều dựa trên những diễn biến thực tế công trường, bao gồm: việc huy động tài chính, máy móc thực tế; khả năng đáp ứng yêu cầu tiến độ tổng thể và chi tiết; yêu cầu về chất lượng, an toàn lao động; giải quyết các thủ tục thanh toán, nghiệm thu; thực hiện trách nhiệm bảo hành công trình. “Dựa vào bộ 5 tiêu chí trên, các chủ đầu tư tự ‘soi’ lại việc thực hiện của các nhà thầu, sau đó gửi kết quả để Bộ GTVT công bố”, ông Sanh cho biết.
Theo hướng dẫn của Bộ GTVT, nhà thầu được coi là dính “lỗi” đối với một tiêu chí nào đó, khi không đáp ứng được yêu cầu công việc đối với tiêu chí đó sau khi chủ đầu tư, ban quản lý dự án đã 3 lần phát văn bản nhắc nhở. Nặng hơn, “vi phạm” là các lỗi đã bị nhắc nhở, nhưng không được nhà thầu khắc phục, hoặc khắc phục không triệt để, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng và tiến độ công trình.
“So với năm 2013, năng lực nhà thầu đã được cải thiện đáng kể, với tỷ lệ nhà thầu đáp ứng yêu cầu tăng 5,3%, trong khi tỷ lệ chưa đáp ứng giảm 4%”, ông Sanh phân tích.
Chỉ mặt nhà thầu yếu
Theo kết quả công bố, trong số 44 nhà thầu chưa đáp ứng được yêu cầu theo chuẩn đánh giá của GTVT, có 3 nhà thầu Hàn Quốc là Namkwang - Sampyo, Lotte E&C và Hanshin E&C và một nhà thầu đến từ Trung Quốc là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Như vậy, Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc đã có năm thứ hai liên tiếp rơi vào danh sách “báo động đỏ” của Bộ GTVT.
Theo ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án đường sắt, Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc, đơn vị đang sắm vai Tổng thầu EPC tại Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, bị đánh giá “chưa đáp ứng được yêu cầu” là không oan, bởi ngoài việc để công trình trọng điểm tại Hà Nội liên tục bị vỡ tiến độ, tập đoàn này còn để xảy ra 2 vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng cùng trong năm 2014.
Trong số các nhà thầu Hàn Quốc bị Bộ GTVT cảnh báo đợt này, Lotte là nhà thầu đã không thể hiện được năng lực tài chính, cũng như thi công thực địa tại Gói thầu A4 (Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi); Namkwang - Sampyo thực hiện gói thầu CP2, cải tạo, nâng cấp thi công tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai đoạn đi qua địa phận tỉnh Yên Bái.
Bên cạnh 4 nhà thầu nước ngoài, lọt vào danh sách những nhà thầu “ốm đột ngột” sau khi được trao thầu còn có một số tổng công ty xây dựng lớn trong nước, như Tổng công ty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tổng công ty Đầu tư xây dựng thương mại Miền Trung; Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng HUD1; Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng CII…
Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, những nhà thầu này hoặc có hơn 6 lỗi/gói thầu hoặc lớn hơn 21 lỗi/các gói thầu hoặc có hơn một vi phạm trong các gói thầu thực hiện trong năm 2014.
“Đối với các nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu, nhưng chưa đến mức phải chấm dứt hợp đồng, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải có biện pháp xử lý nhà thầu theo thẩm quyền để khắc phục kịp thời, không làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ gói thầu, dự án”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.