Thời sự
Tập đoàn kinh tế tư nhân chiếm ưu thế
Khánh An - 11/02/2015 08:31
() Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố 3 kịch bản tăng trưởng của tập đoàn kinh tế.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Chi tiết kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN 2015
VRG “lãnh đủ” vì đầu tư trái ngành tràn lan
Nhìn lại gần 1.000 ngày thực hiện Đề án Tái cơ cấu DNNN
Lấp khoảng trống thông tin của tập đoàn kinh tế

Năm 2018 - 2019 sẽ là đỉnh tốc

Năm 2018 - 2019 sẽ là đỉnh tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của các tập đoàn kinh tế. Trong cả 3 kịch bản thấp, trung bình và cao mà các chuyên gia Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố ngày hôm qua (10/2) trong Báo cáo Nghiên cứu thực trạng và giải pháp phát triển bền vững tập đoàn kinh tế ở Việt Nam, hai năm này đều nhận được những dự báo tốt.

Các tập đoàn kinh tế nhà nước giữ các vị trí thống lĩnh trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Ảnh: Đức Thanh

Bình luận về dự báo này, ông Bùi Văn Dũng, Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (CIEM) cho rằng, điều này phù hợp với những dự báo tình hình kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam những năm tới.

“Nến kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Thể chế kinh tế thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm nghẽn, nên kịch bản trung bình dường như khả thi nhất trong giai đoạn tới đối với sự phát triển của tập đoàn kinh tế, kể cả nhà nước và tư nhân”, ông Dũng nói.

Tuy nhiên, sẽ có sự khác biệt đáng kể trong khu vực tập đoàn kinh tế tư nhân và nhà nước. Nếu nhìn vào tỷ lệ giữa hai đối tượng này, có thể thấy rằng, hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước chi phối khá lớn kết quả các kịch bản. So với khu vực nhà nước, tập đoàn kinh tế tư nhân có số lượng nhỏ, chỉ khoảng 1,5% so với 43,5% tổng số doanh nghiệp.

Năm 2013, chỉ có 5 tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô vốn chủ sở hữu trên 10.000 tỷ đồng và 8 tập đoàn tư nhân có quy mô tài sản trên 10.000 tỷ đồng. Tổng vốn chủ sở hữu của tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất cũng chỉ bằng 15,5% tổng vốn chủ sở hữu của 8 tập đoàn kinh tế nhà nước.

Hơn thế, các tập đoàn kinh tế tư nhân hoạt động chủ yếu trong các ngành, lĩnh vực không được coi là then chốt của nền kinh tế, hoặc những ngành quan trọng nhưng không có vị thế thống lĩnh, chi phối.

Trong khi đó, quy mô các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn tăng khá nhanh và chiếm tỷ lệ áp đảo trong nhóm doanh nghiệp có quy mô lớn nhất, đang chiếm 15 trong tổng số 20 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Tập đoàn kinh tế nhà nước giữa vị trí thống lĩnh theo ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, chiếm 99% trong sản xuất phân bón; 97% trong khai thác than; 94% trong sản xuất điện, gas; 91% trong truyền thông và 88% trong lĩnh vực bảo hiểm…

Cũng phải nói thêm, mẫu được đưa vào tính toán là các doanh nghiệp có quy mô từ 500 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê, chứ chưa có đầy đủ dữ liệu của các tập đoàn hiện tại.

Ưu thế tư nhân

Trong đánh giá về thực trạng hoạt động của tập đoàn kinh tế nói chung, Báo cáo của CIEM cho thấy, sự ấn tượng trong tăng trưởng của các tập đoàn kinh tế sau khi hình thành. Sự ấn tượng này, theo ông Dũng, nhìn thấy cả ở các chỉ tiêu tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, doanh thu, lợi nhuận sau thuế và lao động.

Cụ thể, về tổng tài sản, trước khi hình thành tập đoàn, chỉ có 50% nhóm doanh nghiệp có mức tăng bình quân hàng năm trên 10% thì sau khi hình thành, tỷ lệ này là 75%. Trong đó, có  46,2% tập đoàn có mức tăng trên 20%.

“Nếu đánh giá hiệu quả hoạt động và mức độ an toàn tài chính, khu vực tư nhân có mức độ sử dụng vốn tốt hơn so với các tập đoàn nhà nước và dường như các tập đoàn tư nhân đang có những bước phát triển bền vững hơn”, ông Dũng nhận định trên cơ sở các phân tích của Báo cáo.

Đây không phải là thông tin mới khi nhìn vào tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân năm 2012 của 20 tập đoàn tư nhân lớn nhất đạt 8,45% (năm 2013 là 12,72), trong khi tỷ lệ này của các tập đoàn kinh tế nhà nước lần lượt là 5,28 và 7,3.

Đặc biệt, tỷ lệ vốn chủ sở hữu bình quân của các tập đoàn tư nhân duy trì ổn định ở ngưỡng 55% - cao hơn một chút so với tỷ lệ 50% của toàn bộ khu vực doanh nghiệp Việt Nam (không bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Trong khi đó, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn kinh tế nhà nước có xu hướng tăng, từ 1,92 lần năm 2010 lên 2,7 lần vào năm 2013.

Giai đoạn 2005 -2013 là thời điểm khu vực tập đoàn kinh tế tư nhân có sự tăng trưởng nhanh về tổng tài sản và vốn. Trong giai đoạn này, tăng trưởng vốn chủ sở hữu 37,42%; tài sản tăng 42,85%. Trong khi đó, đây là giai đoạn khủng hoảng lớn và là tiền đề cho các quyết định tái cơ cấu tập đoàn kinh tế nhà nước đang được thúc đẩy.

“Tính bền vững trong phát triển của các tập đoàn kinh tế nhà nước còn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nhận thức về mô hình này. Vẫn còn việc phân định doanh nghiệp là tập đoàn, với các chế độ chính sách, lương bổng… khác với doanh nghiệp không phải là tập đoàn, thì rất khó có cơ chế hỗ trợ sự phát triển bền vững, tạo ra những liên kết thực sự thị trường, giám sát được các hoạt động của các doanh nghiệp lớn này…”, ông Trần Tiến Cường, Chuyên gia kinh tế chuyên về doanh nghiệp nhà nước có ý kiến khi nhắc tới tình trạng các vị trí lãnh đạo của tập đoàn kinh tế nhà nước rất khác với các doanh nghiệp nhà nước khác khiến cơ hội cho lợi ích nhóm xuất hiện.

Hơn thế, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cũng cảnh báo đến dư địa phát triển của tập đoàn kinh tế nhà nước, khi phân tích ở góc độ là một công cụ huy động vốn.

“Nếu các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn đóng, nghĩa là 100% vốn nhà nước thì không có cơ hội phát triển, vì lợi thế của mô hình tập đoàn theo thông lệ là tập trung nguồn lực qua huy động cổ đông từ bên ngoài, phân tán rủi ro và chi phí. Còn doanh nghiệp nhà nước chỉ hoạt động bằng vốn vay thì càng mở rộng sẽ tỷ lệ thuận với rủi ro”, ông Cung cảnh báo.

Tin liên quan
Tin khác