Đan Mạch đã trải qua hơn 30 năm tạo ra sự tăng trưởng kinh tế mà không tăng thêm mức năng lượng sử dụng, đồng thời làm giảm lượng phát thải khí CO2. Do đó Đan Mạch đã trở thành một ví dụ về phát triển kinh tế và xã hội đồng hành với việc xanh hóa nền kinh tế.
Đại sứ quan Đan Mạch còn mang tới hội thảo một số tổ chức tài chính gồm Tổ chức Tín dụng Xuất khẩu Đan Mạch (EKF) và Quỹ đầu tư dành cho các nước đang phát triển của Đan Mạch (IFU) để cung cấp các giải pháp tài chính nhằm phát triển điện gió cho Việt Nam.
Đại diện Vestas và Phú Cường ký kết hợp tác làm dự án năng lượng gió |
Ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch Tập đoàn Phú Cường cho hay, doanh nghiệp đang thực hiện chương trình phát triển điện gió với tổng công suất lên đến 800 MW tại Việt Nam, bắt đầu bằng việc xây dựng trang trại điện gió đầu tiên có quy mô 170 MW và Vestas chính là đối tác mà chúng tôi đang tìm kiếm.
Theo ông Phạm Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Phú Cường, đơn vị đã tiến hành khảo sát khu vực bãi bồi dài 65km ven biển tỉnh Sóc Trăng, kết quả cho thấy khu vực này có thể thực hiện chương trình phát triển điện gió với tổng công suất lên đến 800MW, dự tính tổng mức đầu tư trên 2 tỷ USD.
Nguồn tin của Báo Đầu tư, Bộ Công thương đã phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió tại tỉnh Sóc Trăng và dự án trại sản xuất điện gió của Phú Cường đã được UBND tỉnh Sóc Trăng cấp phép đầu tư.
Hiện Vestas đã bán được 3 cột điện gió công suất 2 MW cho Dự án điện gió tại đảo Phú Quý (Bình Thuận). Trạm điện gió này ban đầu do Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVP) đầu tư với quy mô 335 tỷ đồng nhưng nay đã chuyển giao sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để vận hành.
Điều đáng nói trong làn sóng đầu tư điện gió hiện nay là giá mua điện gió hiện vẫn chỉ là 7,8 cent/kWh, bao gồm 6,8 cent/kWh được EVN trả và 1 cent còn lại là do Nhà nước trả. Tuy nhiên chi phí đầu tư điện gió theo các chuyên gia cho hay dao động từ 11-23 cent/kWh, tùy theo xuất xứ của thiết bị.
Hoàng Nam