Nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng buộc các thương hiệu phải thay đổi mẫu mã, bao bì để sản phẩm cạnh tranh hơn |
Nhà máy được đặt tại gần TP.HCM, với tổng vốn đầu tư 110 triệu USD được tập đoàn này công bố cuối năm 2016. Tuy nhiên đến năm nay mới nhận được giấy phép đầu tư và dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào đầu năm 2019. Nhà máy này sẽ bổ trợ cho ba nhà máy hiện tại ở Singapore, Ấn Độ và Nhật Bản.
Việc đầu tư xây dựng nhà máy được đưa ra trong bối cảnh lượng tiêu thụ sữa nước và đồ uống trái cây đóng hộp trong khu vực không ngừng gia tăng.
Trong năm 2016, tổng lượng tiêu thụ của hai ngành hàng này tại các thị trường ASEAN, Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand đạt 70 tỷ lít. Trong ba năm tới, các ngành hàng này dự kiến sẽ tăng trưởng ổn định ở mức 5,6% mỗi năm.
Tại Việt Nam, ngành sữa được dự báo tăng trưởng ổn định với mức tiêu thụ bình quân đầu người dự kiến tăng gấp đôi lên 28 lít vào năm 2020, so với 15 lít/người/năm ở năm 2010. Trong khi đó, ngành hàng nước trái cây và rau củ tươi dự kiến tăng trung bình 17.5% trong 5 năm tới.
Nhà máy mới dự kiến có công suất lên tới 20 tỷ hộp bao bì mỗi năm với nhiều chủng loại bao bì giấy đa dạng, bao gồm các loại bao bì giấy rất phổ biến ở thị trường Việt Nam, như Tetra Brik Aseptic và Tetra Fino Aseptic.
“Việc đầu tư nhà máy mới thể hiện sự tin tưởng của chúng tôi về triển vọng kinh tế của Việt Nam. Nó sẽ giúp đáp ứng cho xu hướng tiêu thụ đồ uống đóng hộp có lợi cho sức khoẻ đang ngày càng gia tăng của tầng lớp trung lưu ở đây”, ông Robert Graves nhận định.
Trong các yếu tố thúc đẩy xu hướng này, hai yếu tố quan trọng nhất là mức tăng tiền lương thực tế ở Việt Nam (cao nhất tại châu Á với 7,3%), và ý thức ngày càng tăng của người tiêu dùng về sức khỏe và vấn đề an toàn thực phẩm. Ở Việt Nam, ngành hàng sữa, được xem là ngành hàng lớn nhất và cũng là ngành hàng kinh doanh cốt lõi của Tetra Pak, dự kiến sẽ tăng trưởng ổn định.
Tetra Pak đang có nhiều động thái mở rộng kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của thị trường châu Á. Mới đây, Tetra Pak đã khai trương Trung tâm Hỗ trợ Sáng tạo cho Khách hàng (CIC) đầu tiên của Châu Á tại Singapore.
Trung tâm này sẽ giúp các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống trong khu vực có thể khám phá những cơ hội mới, nắm bắt các phát minh hiện đại nhất và tạo ra những giải pháp mang lại ưu thế cho thương hiệu của họ.
Theo ông BertJan Post, Phó Chủ tịch Marketing và Quản trị Sản phẩm, Tetra Pak Khu vực Nam Á, Đông Á và Châu Đại Dương, khu vực Châu Á là một thị trường năng động và đang phát triển nhanh, đồng thời cũng đang ngày càng phức tạp hơn.
Thị trường này đang mở rộng những phân khúc khách hàng và nhu cầu mới với sự cạnh tranh ngày càng tăng cùng với tốc độ phát triển công nghệ và hoạt động giao thương xuyên biên giới ngày càng được đẩy mạnh. Điều đó đòi hỏi các thương hiệu phải tập trung sâu hơn vào việc đổi mới, tùy biến cho phù hợp với nhu cầu riêng của người tiêu dùng, cũng như cải tiến và đẩy nhanh quá trình sản phẩm được đưa ra thị trường.
Trung tâm CIC tại Singapore là trung tâm thứ ba của Tetra Pak nằm trong mạng lưới toàn cầu đang không ngừng mở rộng của CIC, bên cạnh Denton (Hoa Kỳ) và Dubai (Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất).