Ngày 21/7 tới, DongA Bank sẽ tiến hành ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 sau hơn 3 tháng trì hoãn. Tài liệu ĐHĐCĐ vừa được DongA Bank công bố cho biết, với kế hoạch tăng vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng trong năm nay của ngân hàng sẽ có sự tham gia rót vốn của cổ đông nội lớn là Kinh Đô, với 1.000 tỷ đồng.
Câu chuyện Kinh Đô rót 1.000 tỷ đồng vào DongA Bank được nhắc đến trong những ngày qua được xem là khá bất ngờ đối với nhiều người, vì theo thông tin trước đó, DongA Bank sẽ về chung nhà với ABBank. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên, Kinh Đô “rót” tiền đầu tư vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Trước đó, tháng 2/2007, Kinh Đô đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo đó, Kinh Đô đầu tư 90 triệu USD vào Eximbank, trở thành một trong những đối tác chiến lược của ngân hàng này. Tuy nhiên, khoảng 3 năm sau đó, Kinh Đô đã rút khỏi Eximbank. Nay, Kinh Đô trở lại lĩnh vực ngân hàng, với việc nắm giữ gần 17% cổ phần của DongA Bank trong đợt tăng vốn từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng vào cuối năm nay.
Kinh Đô sẽ rót 1.000 tỷ đồng vào DongA Bank |
Trong 2 năm gần đây, hoạt động của DongA Bank có phần sa sút, nợ xấu tăng, lợi nhuận giảm. Kết thúc năm 2014, lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng của DongA Bank chỉ còn 35 tỷ đồng, do nợ xấu tăng. Cuối năm 2014, kế hoạch tăng vốn của DongA Bank lên 6.000 tỷ đồng cũng bất thành, do cổ đông không đóng đủ tiền, nên đành phải hủy. Vì vậy, thông tin DongA Bank phải sáp nhập vào một ngân hàng khác đã được lan truyền khá nhanh.
Tuy nhiên, qua trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn đầu tháng 6/2015, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank xác nhận,
ABBank có tìm đến DongA Bank và đưa ra đề nghị sáp nhập, nhưng HĐQT DongA Bank đã từ chối. Có thể, tại thời điểm trên, HĐQT DongA Bank đã tìm được cổ đông góp vốn trong nước là Tập đoàn Kinh Đô.
Việc phát hành 1.000 tỷ đồng cổ phiếu của DongA Bank cho Kinh Đô sẽ được đại hội đồng cổ đông của DongA Bank trình thông qua vào ngày 21/7. Các cổ đông lớn của DongA Bank hiện nay là PNJ (7,7%), ông Trần Phương Bình và gia đình (9,6%), Thành ủy TP.HCM (6,9%), CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 (10%).
Trước đó, tại VietA Bank, trước áp lực tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng và việc thoái vốn của cổ đông lớn là Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), VietA Bank đã chuyển nhượng cổ phần cho nhóm cổ đông liên quan đến ông Phương Hữu Việt trong năm 2010. Trong cơ cấu sở hữu của VietA Bank hiện nay, Tập đoàn Đầu tư Việt Phương và ông Phương Hữu Việt là cổ đông lớn nhất, sở hữu 17,36% vốn điều lệ. Chủ tịch Tập đoàn Việt Phương là ông Việt giữ “ghế” Chủ tịch HĐQT của VietA Bank từ đó đến nay.
Một trường hợp khác là TPBank. Trước áp lực tăng vốn và tái cấu trúc trong giai đoạn đầu khi Ngân hàng Nhà nước bắt tay thực hiện đề án tái cơ cấu ngành, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji đã sớm đầu tư vào TPBank, với tỷ lệ nắm quyền chi phối nhà băng này là 20%, cho dù giai đoạn đó, TPBank chỉ là một thương hiệu ngân hàng mới, quy mô nhỏ.
Trong khi đó, việc trúng cử ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Kienlongbank của ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Gạch Đồng Tâm tại kỳ họp HĐQT thường niên 2013 của Kienlongbank cũng cho thấy làn sóng đẩy mạnh đầu tư vào ngân hàng của các tập đoàn kinh tế tư nhân.
Trên thị trường những ngày qua lan truyền tin Nam A Bank và nhóm cổ đông lớn có khả năng thâu tóm Eximbank. Kết quả thương vụ này sẽ có ngay sau khi đại hội đồng cổ đông Eximbank diễn ra ngày 21/7. Đại hội đồng cổ đông bất thường Nam A Bank diễn ra ngày 15/7 chưa bàn tới chuyện sáp nhập. Trong danh sách các ứng viên tham gia ứng cử HĐQT Eximbank nhiệm kỳ mới giai đoạn 2015 - 2020 cũng có 2 thành viên đến từ Nam A Bank là ông Trần Ngô Phúc Vũ và ông Trần Ngọc Tâm, nguyên Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc Nam A Bank. Tỷ lệ nắm giữa cổ phiếu Eximbank của 2 thành viên này là hơn 20%.
Có thể thấy, mặc dù hoạt động thua lỗ, nợ xấu tăng, nhưng ngân hàng vẫn được xem là lĩnh vực hấp dẫn đầu tư. Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, theo ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, chính là cơ hội cho các nhà đầu tư tìm kiếm nhà băng để rót vốn.
Tuy nhiên, cũng theo ông Andy Ho, với các nhà đầu tư nhỏ, lẻ, đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng lúc này cần thận trọng, chọn các ngân hàng lớn, hoạt động hiệu quả.
Ông Andy Ho cho rằng, không thể kỳ vọng giá cổ phiếu ngân hàng tăng trong một sớm một chiều và để thành công, nhà đầu tư nên tìm mua cổ phiếu của ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng, cũng như phải có chiến lược đầu tư dài hạn.