Tiền đã trao… cháo không múc!
Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bà Kèo có diện tích 4,4 ha (khu phố 7, thị trấn Dương Đông, Phú Quốc) nằm trong quy hoạch đất phát triển du lịch và được chính quyền mời gọi đầu tư. Ngoài phần đất công, còn có 35 hộ dân với 1,5 ha có vật kiến trúc (chủ yếu nằm theo mặt tiền đường Trần Hưng Đạo) và 1,3 ha với đa số là vườn tạp. Chủ đầu tư đã chấp hành đầy đủ thủ tục như: chủ trương giao đất, chấp thuận đầu tư, quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh và huyện Phú Quốc, phê duyệt quy hoạch 1/500, lập phương án đền bù giải toả... và chờ bàn giao đất.
Khu biệt thự Bà Kèo (phối cảnh) được CIC ấp ủ xây dựng suốt 10 năm nay. |
Sau khi hoàn tất thủ tục, đến năm 2007, chủ đầu tư ứng đủ vốn cho chính quyền địa phương thông qua Trung tâm Phát triển quỹ đất và đã tiến hành trao trả tiền hỗ trợ bồi thường giải toả cho 28 hộ dân, với gần 11 tỷ đồng và nhận nền tái định cư. Tất cả các hộ này đều ký biên bản cam kết không khiếu kiện. Riêng đối với 7 hộ chưa chịu nhận tiền, Trung tâm Phát triển quỹ đất đã chuyển vào tài khoản của họ số tiền trên 4 tỷ đồng. Đến năm 2012, UBND huyện Phú Quốc và Ban quản lý Đầu tư phát triển đảo bàn giao thực địa đợt 1 (trên 0,6 ha, chiếm khoảng 15% diện tích toàn Dự án) và đến nay, chủ đầu tư chưa nhận bàn giao thêm.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn CIC, ông Lê Quang Tuấn cho biết, việc chậm bàn giao đất, khiến ngày càng có nhiều công trình nhà ở, hàng quán kiên cố liên tục mọc lên trong khu đất quy hoạch cho Dự án, nhất là dọc theo 200 m mặt tiền đường Trần Hưng Đạo. Đáng kể là, vào đầu năm 2015, gia đình bà Ngô Đình Lệ Thuỷ ngang nhiên đưa xe cơ giới vào khu đất đã được bàn giao cho Dự án đập phá đoạn hàng rào để san lắp xây biệt thự quy mô lớn. Đến khi công trình không phép này sắp hoàn thành, Công an huyện Phú Quốc mới khởi tố điều tra về tội phá hoại tài sản của chủ đầu tư. Tuy nhiên, căn biệt thự chiếm khoảng 1.600 m2 đất trong Dự án đã được hoàn thiện và gia đình bà Thuỷ đang cư trú… bình thường!
“10 năm qua chính quyền chưa bàn giao 85% diện tích đất còn lại của Dự án cho chủ đầu tư, không chỉ gây phức tạp cản trở cho công tác giải phóng mặt bằng, mà còn gây thiệt hại về tài chính cho chủ đầu tư vì đã nộp 100% tiền hỗ trợ đền bù giải toả (trị giá 15,3 tỷ đồng từ năm 2007). Việc chậm giao đất còn ảnh hưởng rất lớn đến việc xác định giá giao đất của chính quyền cho chủ đầu tư (hiện giá giao đất gấp 10 lần so với năm 2007) cũng như việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, kế hoạch kinh doanh dự án và phát sinh chi phí của chủ đầu tư...”, ông Tuấn nói.
“Đánh trống bỏ dùi”
Lý giải sự việc này, vừa qua, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Quốc, ông Lê Quang Minh cho biết, những năm qua có 2 hộ dân khiếu kiện bồi thường 0,6 ha đất trong dự án này. Vào ngày 21/9/2015, Toà án Nhân tỉnh Kiên Giang tuyên Bản án số 15/2015 HCST huỷ các Quyết định thu hồi đất của UBND huyện đối với các hộ này.
Đại diện phía chủ đầu tư, ông Lê Quang Tuấn cho rằng, nếu vướng 2 hộ trên với diện tích chỉ khoảng 0,6 ha, số diện tích còn lại trên 3 ha, chính quyền địa phương vẫn có thể giao tiếp cho chủ đầu tư để triển khai xây dựng. Đơn cử ngay khi bàn giao đất đợt 1, chủ đầu tư đã xây dựng 2 căn biệt thự mẫu, một số đoạn đường và tường rào trên diện tích 0,6 ha bàn giao trên thực địa.
“Những năm qua, chủ đầu tư liên tục có nhiều văn bản kiến nghị đến các cấp chính quyền. Riêng năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành 5 công văn chỉ đạo và UBND huyện Phú Quốc cũng ra nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo cụ thể đến các phòng, ban chuyên môn của huyện Phú Quốc để đốc thúc việc bàn giao đất cho chủ đầu tư. Thế nhưng, chờ đến các cơ quan thực thi nhiệm vụ này thì mọi việc tan thành hư không. Không chỉ có vậy, trong khoảng thời gian chờ đợi, nhiều hộ dân quay lại tái chiếm, ngăn cản không cho cắm mốc thi công san lắp mặt bằng trong dự án”, ông Tuấn bức xúc nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư mới đây về việc chậm giao đất cho chủ đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng - người mới nhậm chức đầu năm 2016 cho biết, cá nhân ông chưa nghe UBND huyện Phú Quốc và chủ đầu tư báo cáo vướng mắc về dự án này. “Tuy nhiên, nếu chủ đầu tư có yêu cầu, UBND tỉnh sẵn sàng mời các ngành liên quan và lãnh đạo huyện Phú Quốc họp giải quyết rốt ráo vướng mắc để chủ đầu tư sớm triển khai Dự án. Chúng tôi không phân biệt đối xử với doanh nghiệp lớn, nhỏ hay dự án nào”, ông Phạm Vũ Hồng nói.
Có thể nói, hiếm có dự án nào như Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bà Kèo có trên 80% hộ dân trong vùng dự án đồng thuận nhận tiền bồi thường giải toả và tái định cư. Đồng thời các hộ dân này còn ký biên bản cam kết bàn giao đất cho chính quyền địa phương. Thế nhưng, do chậm bàn giao thực địa cho chủ đầu tư, nên tiến độ triển khai dự án bị ảnh hưởng.