Toàn cảnh cầu Bến Rừng. Ảnh: Đỗ Phương |
Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, sau hơn 20 tháng thi công (từ tháng 5/2022), Dự án Đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên (TP. Hải Phòng) và thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) đã chính thức hợp long. Đến thời điểm hiện tại, Dự án đã hoàn thành hơn 95% khối lượng thi công. Cầu có thiết kế dài 1.865,3 m, bề mặt rộng 21,5 m, 4 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp, với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành toàn bộ vào ngày 30/4/2024.
Đây là công trình giao thông trọng điểm, hợp tác giữa Quảng Ninh và Hải Phòng với mục tiêu kết nối liên vùng, góp phần nâng cao năng lực phục vụ về giao thông, thúc đẩy mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân 2 địa phương, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Với vị trí địa lý thuận lợi và lịch sử phát triển hàng trăm năm, hệ thống cảng biển tại Hải Phòng đóng vai trò trụ cột trong kết nối giao thương khu vực phía Bắc và cả nước, phục vụ hàng triệu TEU/tấn hàng hóa thông qua mỗi năm.
Mới đây, Dự án Nâng cấp luồng hàng hải đoạn từ vũng quay tàu Cảng container quốc tế Hải Phòng đến cảng Nam Đình Vũ được khởi công xây dựng. Dự án nhằm hạ độ sâu luồng từ -7 m xuống -8,5 m để tiếp nhận tàu lên đến 48.000 DWT đầy tải. Việc nâng cấp luồng vào cảng sẽ tiếp tục nâng cao năng lực của cảng Nam Đình Vũ trong thời gian tới, đặc biệt khi giai đoạn III của cảng sẽ sớm được triển khai và đưa vào hoạt động từ năm 2025.
Cùng với đó, dự án này góp phần đáng kể nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, tạo động lực thay đổi diện mạo cho hệ thống cảng trọng điểm phía Bắc.
Tại Hải Dương, những công trình mang điểm nhấn là xây dựng cầu Triều, cầu Mây và đường dẫn nối Quốc lộ 18 (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) với Quốc lộ 5 và thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Trong đó, Quảng Ninh đầu tư cầu Triều, đường dẫn nối với Quốc lộ 18; Hải Dương xây dựng 4,5 km đường dẫn đầu cầu Triều nối ĐT 389 và xây dựng cầu Mây kết nối ĐT 389 với Quốc lộ 5.
Trong khi đó, tỉnh Hải Dương và Bắc Giang đang tập trung hoàn thành 3 dự án giao thông kết nối với Quốc lộ 37 trong khu vực, gồm cầu Đồng Việt vượt sông Thương nối Bắc Giang với Hải Dương, kết nối với Quốc lộ 1 và đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang (1.500 tỷ đồng); tuyến nối Quốc lộ 37 (tại ngã ba An Lĩnh) tới đền Kiếp Bạc (1.218 tỷ đồng); mở rộng đường từ Quốc lộ 37 đến chùa Côn Sơn (279 tỷ đồng).
Trong năm 2024, tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục phối hợp với tỉnh Bắc Ninh xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn nối huyện Lương Tài (Bắc Ninh) với huyện Nam Sách (Hải Dương); phối hợp với tỉnh Hưng Yên xây dựng cầu Hải Hưng và đường dẫn kết nối huyện Thanh Miện (Hải Dương) với huyện Ân Thi (Hưng Yên); cầu Vạn và đường dẫn hai đầu kết nối thị xã Kinh Môn (Hải Dương) với TP. Chí Linh (Hải Dương); ĐT. 394B, đoạn từ ĐT.395 đến đường trục Bắc - Nam huyện Thanh Miện.
Khi hoàn thành và đưa vào khai thác, các dự án trên sẽ thu hút lượng phương tiện giao thông rất lớn lưu thông qua Quốc lộ 37, đặc biệt là đoạn từ Quốc lộ 18 đến ngã ba An Lĩnh.
Còn tại tỉnh Quảng Ninh, ngày 1/1/2024, cầu Bình Minh (cầu Cửa Lục 3) chính thức được đưa vào khai thác. Đây là cây cầu thứ 2 nối hai khu vực Hạ Long - Hoành Bồ sau 4 năm sáp nhập. Cùng với đó, Dự án Đường nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến ĐT.338 (giai đoạn I) cũng đang được tỉnh tái khởi động, với mục tiêu hoàn thành trong năm 2024.
Dự án có điểm đầu nối với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng tại nút giao Hạ Long Xanh, điểm cuối đấu nối với đường trục chính Khu công nghiệp Sông Khoai. Khi hoàn thành, dự án này sẽ từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông theo quy hoạch được duyệt, tạo động lực phát triển khu vực phía Tây của tỉnh, khai thác và phát huy tiềm năng lợi thế về đất đai, tăng sự hấp dẫn thu hút đầu tư vào khu phức hợp đô thị, công nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Dự kiến tháng 2/2024, tỉnh Quảng Ninh sẽ xây dựng 2 trạm dừng chân và một trạm dừng xe - nơi cung cấp các dịch vụ về sửa chữa, bảo dưỡng, xử lý tình huống phương tiện... trên trục cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái.
Các trạm này sẽ được thiết kế hiện đại, đẳng cấp, đạt tiêu chuẩn châu Âu, với tổng mức đầu tư 145,8 tỷ đồng. Trong đó, trạm dừng chân được đặt tại Km 20+00, xã Thống Nhất, TP. Hạ Long, có quy mô 65,6 ha (khởi động tháng 2/2024). Trạm thứ 2 được quy hoạch tại Km80+00, xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn, quy mô trên 14,2 ha, gần sân bay Vân Đồn.