Chấn chỉnh quy trình chống nhiễm khuẩn, sàng lọc bệnh nhân
22 ngày kể từ khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trong cộng đồng ngày 27/4, Việt Nam đã vượt mốc 1.000 trường hợp mắc Covid-19. Các ca nhiễm xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước với những ổ dịch khác nhau.
Chúng ta phải tuyệt đối cảnh giác với ổ dịch tại các khu công nghiệp vì những ca bệnh khi xuất hiện tại đây sẽ lây lan rất nhanh và rộng. |
Trong đợt bùng phát dịch lần này, Việt Nam cũng xuất hiện các ca bệnh ở nhiều địa điểm như bệnh viện, khu công nghiệp, quán bar hay khu dân cư... Điều này dấy lên những lo ngại về thời điểm dịch kết thúc.
Theo ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, với việc xuất hiện nhiều ổ dịch khác nhau như thời gian qua, khó để dự đoán khi nào là đỉnh dịch. Thay vào đó, Việt Nam nên tập trung cho việc phòng vệ, cắt đứt chuỗi lây nhiễm để không xuất hiện thêm các ổ dịch nữa.
Thực tế về mặt dịch tễ, dịch Covid-19 tại Việt Nam có thể chưa bao giờ kết thúc. Ở những khoảng trống không ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng thời gian qua, bệnh nhân có thể vẫn xuất hiện nhưng chúng ta không biết.
Nếu chúng ta không phát hiện ra bác sĩ dương tính với Sars-Cov-1 ở Lào, có lẽ Việt Nam cũng sẽ không xác định được sớm ổ dịch Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Theo chuyên gia y tế, việc tiêm vắc xin là cần thiết để tạo miễn dịch cộng đồng, ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan. |
Do đó, dịch sẽ phụ thuộc vào việc chúng ta xác định vào lúc nào và kết quả xét nghiệm nhiều hay ít. Xét nghiệm sàng lọc rộng có chỉ định, chúng ta sẽ sớm phát hiện được các ca bệnh hơn.
Với ổ dịch tại các khu công nghiệp, ông Phu cho rằng chúng ta phải tuyệt đối cảnh giác vì những ca bệnh khi xuất hiện trong khu công nghiệp sẽ lây lan rất nhanh và rộng.
Để tránh đi vào vết xe đổ của Ấn Độ, theo chuyên gia, Việt Nam phải chấn chỉnh lại toàn bộ hệ thống cơ sở y tế trên cả nước. Hiện chúng ta ghi nhận hàng chục bệnh viện bị ảnh hưởng bởi dịch. Số lượng này không được phép tăng nữa. Chúng ta phải có những biện pháp nhằm tránh để kịch bản này lặp lại.
Những ngày qua, Bộ Y tế đã có những động thái rất quyết liệt trong vấn đề này. Bộ yêu cầu các bệnh viện cần nhanh chóng chấn chỉnh quy trình chống nhiễm khuẩn, sàng lọc bệnh nhân...
Đặc biệt, Bộ Y tế cũng đề nghị các bệnh viện xét nghiệm cho toàn bộ bác sĩ, nhân viên y tế và bệnh nhân. Việt Nam vẫn phải tuyệt đối tập trung, không lơ là, chủ quan để khống chế số lượng ca mắc không tăng lên quá cao.
Đến thời điểm hiện tại đã có hàng chục bệnh viện, cơ sở y tế bị cách ly vì có ca bệnh Covid-1, hai cơ sở y tế tư nhân bị đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định phòng chống dịch là Phòng khám đa khoa quốc tế Thu Cúc cơ sở Trần Duy Hưng và Phòng khám Đa khoa Hồng Ngọc 2.
Chưa cần thiết giãn cách trên diện rộng
Những ngày qua việc liên tiếp xuất hiện các ổ dịch mới với số ca mắc tăng cao, khiến nhiều ý kiến cho rằng chúng ta nên thực hiện giãn cách trên diện rộng.
Chúng ta vẫn đang làm khá tốt trong việc kiểm soát các ổ dịch. |
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng điều này chưa thực sự cần thiết bởi chúng ta đang làm tốt việc khoanh vùng dập dịch.
Chuyên gia khẳng định bản chất của giãn cách xã hội (hay cách ly xã hội, phong toả) là để tránh tiếp xúc giữa người mang virus và người chưa mang virus, nhằm làm chậm lại và tiến tới cắt đứt chuỗi lây của virus.
Theo ông Trần Đắc Phu, từ góc độ chống dịch thì chỉ có cách ly xã hội cắt đứt chuỗi lây lan nhanh nhất nhưng tác động rất lớn đến kinh tế và tâm lý xã hội. Vừa qua, Bắc Ninh, Bắc Giang làm rất đúng, chỉ khoanh vùng ở địa bàn nguy cơ cao, tuy nhiên, chưa quản lý chặt trong khu vực bị khoanh vùng, phong tỏa.
Bên cạnh đó, không quốc gia nào, địa phương nào có thể giãn cách xã hội liên tục, vì thế, việc giãn cách, phong toả chỉ là giải pháp tạm thời, và khi mở lại các hoạt động kinh tế, xã hội hoàn toàn có thể xuất hiện đợt dịch mới và phải giãn cách tiếp.
“Chúng ta phải cố gắng phát hiện được nguy cơ, càng thu hẹp càng tốt, đồng thời kiểm soát chặt chẽ không được để lây trong khu cách ly. Làm sao không giãn cách xã hội trong phạm vi quá rộng mà để làm ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt Bắc Ninh, Bắc Giang có nhiều khu công nghiệp lớn, để đảm bảo vừa chống dịch, vừa phát triển được kinh tế”, ông Trần Đắc Phu trao đổi.
Các chuyên gia phân tích và khẳng định nếu thực hiện nghiêm 5K đối với cá nhân, an toàn Covid-19 đối với cơ quan, nhà máy, xí nghiệp… thì dù còn điểm dịch nhưng sẽ không phải giãn cách xã hội diện rộng.
“Nếu lơ là, chủ quan, mất cảnh giác đến mức không thể kiểm soát được thì sẽ buộc phải giãn cách xã hội diện rộng, sẽ gây hệ luỵ rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội", nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho hay.
Với lo ngại của nhiều người về các biến chủng mới của Sars-Cov-2 sẽ gây khó khăn cho công tác phát hiện và điều trị, bà Lê Thị Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho hay, sự xuất hiện của các biến chủng nCoV mới không làm ảnh hưởng việc chẩn đoán, phát hiện người nhiễm virus tại nước ta.
Theo yêu cầu, các bệnh viện có hơn 300 giường bệnh trở lên phải có một phòng xét nghiệm khẳng định Realtime-PCR, qua đó tăng khả năng mua sắm với tất cả cơ sở y tế trên toàn quốc, đáp ứng nhu cầu xét nghiệm