650 tấn là số lượng rác sinh hoạt bị thải ra hàng ngày trong phạm vi toàn tỉnh Thái Bình. Đa phần lượng rác này được thu gom và vận chuyển đến khu xử lý, nhưng vẫn còn nhiều nơi chưa được thu gom triệt để, gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường, phát sinh các nguồn bệnh ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của cộng đồng.
Khu xử lý rác thải theo công nghệ TTD-01 của Công ty cổ phần Thương mại Thành Đạt (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) |
Một trong những nguyên nhân khiến rác thải chưa được thu gom triệt để là vì tỷ lệ người dân đóng phí vệ sinh môi trường chưa cao, lương công nhân thu gom rác thải còn thấp và chưa gắn bó với công việc, vì vậy, công tác thu gom rác thải ở một số nơi đôi khi bị gián đoạn.
Nhận diện rõ tình hình đó, những năm gần đây, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch, chương trình nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hóa về bảo vệ môi trường và thu gom xử lý rác, huy động tối đa mọi nguồn lực, tăng cường đầu tư cho công tác thu gom và xử lý hiệu quả chất thải sinh hoạt… UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng dự toán phân bổ kinh phí hỗ trợ hoạt động này.
Ngày 10/9/2014, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Bình đã ra Nghị quyết số 19/2014/NQ-HĐND phê duyệt một số cơ chế, chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đến năm 2020. Trong đó, hàng năm, ngân sách tỉnh hỗ trợ thu gom rác thải ở tất cả các xã, phường, thị trấn, định mức 10.000 đồng/người/năm; hỗ trợ xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn bằng công nghệ lò đốt 500 triệu đồng/xã, kinh phí xử lý 15.000 đồng/người/năm cho các xã có lò đốt đảm bảo quy định vệ sinh môi trường.
UBND tỉnh Thái Bình đã triển khai, bố trí, phân bổ kinh phí sử dụng cho môi trường và các nguồn lực khác để hỗ trợ các xã, thị trấn xử lý rác thải sinh hoạt. Năm 2017, hỗ trợ 17,8 tỷ đồng cho thu gom rác thải; 13 tỷ đồng cho 26 xã xây dựng, mua sắm thiết bị; 8,5 tỷ đồng hỗ trợ 81 xã. Cùng với đó, từ năm 2014 - 2017, tỉnh còn hỗ trợ 2,2 tỷ đồng đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học - công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để cải tiến lò đốt rác đảm bảo quy chuẩn môi trường.
Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí thu gom rác thải, Thái Bình còn đầu tư các khu xử lý rác thải theo công nghệ đốt kết hợp chôn lấp tại Tiền Hải, Kiến Xương, Vũ Thư, Hưng Hà, với tổng kinh phí 18,2 tỷ đồng, công suất khoảng 2.450 kg/giờ. TP. Thái Bình đầu tư nhà máy xử lý rác thải công nghệ đốt kết hợp chôn lấp với tổng kinh phí 28,9 tỷ đồng, công suất 7,5 tấn/giờ.
Qua 7 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ 85,35 tỷ đồng đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải sinh hoạt. Tính đến hết năm 2017, đã có 82 lò đốt rác đi vào vận hành, xử lý rác thải cho 108 xã, thị trấn, đã giải quyết cơ bản lượng rác thải phát sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, hưởng ứng chủ trương xã hội hóa đầu tư các dự án xử lý rác thải, năm 2015, Công ty cổ phần Thương mại Thành Đạt đã đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải theo công nghệ TTD-01, công suất 50 tấn/ngày tại huyện Quỳnh Phụ. Quy trình công nghệ xử lý rác TTD-01 với tổng đầu tư thấp, đơn giản trong vận hành, nhưng lại phân loại và xử lý tối đa các loại rác mà không phải đốt, không chôn lấp. Hơn nữa, rác trở thành nguyên liệu phân hữu cơ sinh học chất lượng cao phục vụ nông nghiệp, nilon được tái chế thành hạt nhựa. Ngoài ra, rác vô cơ như gạch, đá, cát… được làm thành gạch block. Nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn nước loại B.
Thực hiện Quyết định số 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Thái Bình tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư nghiên cứu công nghệ, xây dựng các khu xử lý chất thải tiên tiến, thân thiện môi trường, lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn kết hợp với thu hồi năng lượng. Phát triển ngành công nghiệp tái chế, khuyến khích sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm từ quá trình xử lý chất thải.