Tuy nhiên đây không phải là thông tin mới gì về việc rút lui của Tata Steel tại dự án thép liên hợp có quy mô 4,5 triệu tấn/năm và vốn đầu tư có thể lên tới 5 tỷ USD này.
Nguồn tin từ Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) – một đối tác trong Dự án cho hay, vào tháng 8/2013, các bên từng ký biên bản ghi nhớ và hợp tác liên doanh thành lập dự án này là Tập đoàn Tata (Ấn Độ) góp 65% vốn, VNS và Tổng công ty Xi măng Việt Nam góp 35%, đã cùng ký thỏa thuận chấm dứt và dừng các hoạt động liên quan cũng như giải phóng trách nhiệm của các bên liên quan tại dự án thép nói trên.
| ||
Tata Steel đã rút lui khỏi dự án thép liên hợp có quy mô 4,5 triệu tấn/năm, vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD tại Vũng Áng |
“Trước khi ký thỏa thuận chấm dứt dự án giữa các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài cũng có báo cáo việc chấm dứt dự án này tới các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam”, nguồn tin này cho hay.
Là nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên chính thức muốn đầu tư dự án thép liên hợp 4,5 triệu tấn/năm tại Khu kinh tế Vũng Áng nhưng Tata Steel lại không thể về tới đích.
Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, các chi phí chung đã bỏ ra cho dự án này gần như là chưa có gì, ngoại trừ việc thử nghiệm sản xuất thép từ quặng sắt Thạch Khê do Tata Steel bỏ ra.
Kết quả thử nghiệm này cũng cho thấy, quặng sắt Thạch Khê phù hợp với công nghệ sản xuất thép mà Tata Steel đưa ra.
Trong khi Tata Steel vẫn còn nhiều lấn cấn với các chi phí giải phóng mặt bằng của Dự án cũng như không xúc tiến nhanh triển khai thì một nhà đầu tư khác là Formosa (Đài Loan) đã nhanh chóng đưa ra những quyết định dứt khoát về đầu tư Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu tại Vũng Áng với quy mô khi được cấp giấp phép đầu tư lần đầu là gần 10 tỷ USD hồi cuối năm 2012.
Hiện tại, các công việc thi công Khu liên hợp gang thép của Formosa đang được thực hiện với mục tiêu đưa 3 lò cao của giai đoạn 1 vào hoạt động trong năm 2015, với quy mô 10,5 triệu tấn thép/năm.
Hơn thế, Formosa còn tiếp tục đề nghị tăng quy mô đầu tư lên tới mức gần 30 tỷ USD sau khi hoàn thành, với công suất 22 triệu tấn thép/năm, cùng cảng biển nước sâu có năng lực cập tàu 300.000 tấn và nhà máy nhiệt điện công suất 2.100 MW.
Thanh Hương