Techcombank đã thực hiện chốt lời thành công khi bán hầu hết số cổ phiếu nắm giữ tại Vietnam Airlines |
Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã thực hiện bán xong hơn 21 triệu cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines).
Giao dịch này được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 23/2 - 1/3. Sau giao dịch trên, Techcombank chỉ còn nắm giữ 18.705 cổ phiếu HVN, tương đương 0,0015% vốn điều lệ của Vietnam Airlines.
Trong khoảng thời gian từ ngày 22/2 đến ngày 1/3, cổ phiếu HVN đã giảm giá gần 16% từ mức giá 40.300 đồng còn 34.800 đồng. Với 6 phiên giao dịch, cổ phiếu HVN chỉ có duy nhất một phiên tăng trần vào ngày 27/2, còn lại giảm giá.
Thị giá HVN dao động trong khoảng 33.000 đồng đến 37.600 đồng, từ thời gian 23/2 đến 1/3. Như vậy, với việc thoái bớt vốn khỏi Vietnam Airlines vừa qua, Techcombank đã thu về khoảng trên 700 tỷ đồng.
Trước đó không lâu, Techcombank đã bán thành công 3,8 triệu cổ phiếu HVN trong khoảng thời gian 14/2 đến 17/2.
Techcombank đã thực hiện mua vào 25,76 triệu cổ phần của Vietnam Ailines để sở hữu 1,82% cổ phần của hãng hàng không này tại thời điểm Vietnam Airlines thực hiện IPO hồi cuối năm 2014. Lúc đó, cổ phiếu HVN được Tecombank mua vào với mức giá bình quân 22.307 đồng.
Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải (đại diện cho cổ đông Nhà nước) đang nắm giữ 86,16% cổ phần Vietnam Airlines. Bên cạnh đó, cổ đông chiến lược của công ty này là ANA Holdings Inc, sở hữu 8,77% cổ phần; 1,83% cổ phần thuộc về sở hữu của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt nam (Vietcombank).
Báo cáo phân tích cổ phiếu HVN do Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) - đơn vị tư vấn của Vietnam Airlines phát hành đã định giá HVN ở mức 38.700 đồng/cổ phiếu theo phương pháp Adj.EV/EBITDAR và 47.400 đồng/cp theo phương pháp P/S.
Điểm nhấn đối với HVN đó là triển vọng tăng trưởng của thị trường hàng không Việt Nam và định hướng phân khúc khách hàng trung cấp, cao cấp có thể giúp hãng nâng giá bán trung bình và nâng sản lượng vận chuyển, tăng tần suất bay quốc tế.
Tuy nhiên, rủi ro của HVN cũng chính là sự cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế, đặc biệt là từ các hãng hàng không giá rẻ. Đi cùng với đó là rủi ro biến động giá dầu và biến động tỷ giá có thể tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp ngành hàng không.