Techcombank lấy ý kiến cổ đông về việc góp thêm vốn vào công ty chứng khoán qua phát hành riêng lẻ |
Ngày 11/11, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, mã TCB-sàn HoSE) đã phê duyệt ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền để lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản dự kiến vào ngày 21/11/2022.
Nội dung lấy ý kiến là về việc Ngân hàng mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ của CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS). Nghị quyết của HĐQT ngân hàng căn cứ trên biên bản kiểm phiếu lấy ý kiến hội đồng quản trị trước đó một ngày.
Chứng khoán Kỹ thương là công ty con do Techcombank sáng lập và sở hữu cổ phần chi phối. Tại thời điểm 30/9/2022, Techcombank đã đầu tư 1.000 tỷ đồng vào TCBS với tỷ lệ sở hữu tương ứng là 88,94%.
Tới đây, quy mô vốn điều lệ của TCBS dự kiến sẽ tăng lên rất mạnh, từ 1.126,1 tỷ đồng lên 9.249,8 tỷ đồng. Các cổ đông của công ty đã thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ và chia cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Trong đó, TCBS chào bán riêng lẻ 85.350 cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Cùng đó, công ty dùng 112,36 tỷ đồng của Quỹ dự trữ bổ sung điều lệ và 112,36 tỷ đồng của Quỹ dự phòng tài chính và rủi ro nghiệp thực hiện bổ sung vốn điều lệ bằng việc phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Phần tăng vốn lớn nhất là công ty sẽ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu năm 2022 từ nguồn vốn chủ sở hữu để tăng vốn điều lệ thêm 8.122,8 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, TCBS đã kết thúc đợt chào bán riêng lẻ thu về 835,5 triệu đồng hôm 18/10.
Chi tiết về kế hoạch góp vốn thông qua phát hành riêng lẻ chưa được Techcombank thông tin. Theo điều lệ của Techcombank, phương án góp vốn, liên doanh, mua cổ phần của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác có giá trị từ 20% trở lên so với vốn điều lệ của Techcombank ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất (35.109 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2021) là một trong các nội dung bắt buộc Đại hội đồng cổ đông có quyền và nghĩa vụ thông qua.
Tương tự như đợt phát hành riêng lẻ đã thực hiện giữa tháng 10, phương án tăng vốn trên được thông qua sẽ mang về lượng tiền mới cho TCBS. Vốn điều lệ của công ty chứng khoán này dự kiến sẽ tăng mạnh thời gian tới nhưng chủ yếu từ hoạt động chia tách cổ phiếu sử dụng nguồn vốn tự có của chính TCBS.
Đến cuối quý III, dù vốn điều lệ của công ty chỉ là 1.126 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của TCBS lại xấp xỉ 10.766 tỷ đồng nhờ thu về lợi nhuận lớn và ưu tiên tích luỹ thay vì chi trả cổ tức cho cổ đông. Tổng tài sản của TCBS tại ngày 30/9 là 28.975 tỷ đồng. Đây cũng là công ty chứng khoán nội có quy mô lớn vẫn chưa niêm yết/ đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn.
Trong quý III/2022, TCBS báo lãi sau thuế gần 580 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ. Hoạt động tự doanh và doanh thu bảo lãnh phát hành đều thu hẹp đáng kể so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của TCBS đạt 2.193 tỷ đồng giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, TCBS đặt mục tiêu thu về 5.839 tỷ đồng doanh thu và 2.401 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Dù tăng trưởng âm trong quý III, kết quả 9 tháng đầu năm hiện cũng đã tiến sát kế hoạch cả năm 2022.