Quanh năm suốt tháng tất bật với nhịp sống hàng ngày có thể làm bạn tạm quên đi nỗi nhớ quê nhà. Chỉ đến khi không khí Tết gần kề, lúc mà nhà nhà đua nhau sắm Tết, phố phường khoác thêm áo mới đón Xuân, trong lòng mình bỗng nôn nao nỗi nhớ nhà, nhớ quê da diết. Mọi người hối hả làm nốt công việc còn lại cuối cùng của năm để kịp về quê sớm ăn Tết cùng gia đình cho thỏa nỗi nhớ mong.
Và dù ở độ tuổi nào, đang sống tại quê nhà hay phiêu bạt chân trời góc biển, hễ từ khoảnh khắc đón Tết Tây, năm mới bắt đầu sang trang tờ lịch những ngày đầu tiên, lập tức từ sâu thẳm lòng mình lại vọng lên tiếng gọi thầm: "Về quê ăn Tết!". Bốn từ ấy âm vang, da diết, đủ sức gợi lên cảm giác vừa nôn nao vừa rộn ràng, vừa thơ mộng vừa da diết, như khói trầm lãng đãng gợi nhớ về mùi vị lẫn tình cảm tươi đẹp nhất.
Nhà tôi ở TP.HCM ngót nghét gần 30 năm, nhưng chưa bao giờ ở lại TP.HCM đón Tết. Năm nào cũng vậy, cả nhà thường đóng cửa về quê với ông bà, anh em nội ngoại. Cứ Tết nhà nội rồi chạy về nhà ngoại xong là hết Tết, lại quay về thành phố và bắt đầu nhịp sống thường ngày của một năm mới.
Tết ở quê luôn có một hương vị rất riêng và in sâu vào tiềm thức mỗi chúng ta khó mà xóa nhòa theo năm tháng.
Tết nhà Nội thường đông vui vì con cháu về đông đủ và rộn ràng, câu chuyện nhà trước nhà sau. Thủ tục không bao giờ thiếu là con cháu chúc Tết và mừng tuổi ông bà. Các bạn nhỏ xúng xính áo mới náo nức cười vui, ông bà dường như cũng trẻ lại khi nhìn thấy con cháu sum vầy.
Những bức hình xuân lưu lại kỷ niệm ngày Tết mỗi năm của cả nhà đến nhiều năm sau nhìn lại mới thấy thật sự quý giá nhường nào.
Kỷ niệm đặc biệt nhất là lúc cô con gái lớn nhà mình vào lớp 1 chỉ mới bắt đầu biết viết, vậy mà bạn ấy thức đến giao thừa để tự tay vẽ thiệp và viết lời chúc cho từng thành viên trong gia đình nội mà đếm sơ sơ cũng phải lên đến hơn 15 người. Tết năm đó cả nhà đều bất ngờ và xúc động vì tình cảm mộc mạc, ấm áp dễ thương này.
Nếu Tết nhà nội lúc nào cũng náo nhiệt theo văn hóa miền Tây, ngày Tết như ngày hội ăn uống linh đình không khác gì nhà có đám tiệc, thì Tết nhà ngoại lại nhẹ nhàng và đơn giản hơn với hương vị xứ sở ngàn hoa. Khắp nhà tràn ngập sắc Xuân với đủ thể loại hoa tươi khoe sắc và đặc biệt là không thiếu cành đào sắc hồng xinh tươi.
Dù ông bà đã ngoài 75 tuổi, nhưng năm nào cũng cặm cụi gói bánh chưng vì muốn giữ không khí ngày Tết truyền thống cho con cháu. Nhà ngoại thường có thói quen cả nhà cùng thức đón giao thừa, chúc Tết ngay đúng thời khắc chuyển giao sang năm mới và khai tiệc giao thừa chào đón tân niên. Cả nhà cùng đi chùa hái lộc đầu năm và du Xuân vui chơi chúc Tết bạn bè, người thân làm cho không khí Tết tràn đầy niềm vui, ấm áp hạnh phúc.
Ngày Tết thường ngắn ngủi đối với ai được sum vầy ấm áp bên gia đình chỉ mong được kéo dài thêm chút nữa. Thế nhưng, đối với người xa quê là cảm giác trống vắng, một chút buồn tủi và nỗi nhớ nhà tràn ngập tâm trí với bao kỷ niệm tràn về chỉ mong ngày Tết qua nhanh.
Còn nhớ năm 2012, cả gia đình rời Việt Nam khi ngày Tết cận kề. Cách xa hơn nửa vòng trái đất, lần đầu tiên cả nhà mình đón cái Tết xa quê.
Khác với những đất nước có cộng đồng người Việt đông thường tổ chức một chút lễ hội cho kiều bào có không khí đón Tết, nơi mình ở là Lima, Peru không có cộng đồng người Việt, chỉ có mấy gia đình mới sang còn chưa kịp quen với nơi chốn mới.
Một ngày như mọi ngày, khi các ông chồng vẫn đi làm, các bạn nhỏ đi học. Để tạo chút không khí Tết, các gia đình hẹn nhau tụ họp lại nấu vài món ăn truyền thống, cùng nhau trò chuyện cho vơi đi nỗi nhớ quê, nhớ người thân. Một cái Tết thật sự không thể đơn giản hơn.
May mà thời nay còn có Facebook, viber, zalo... nên những ngày Tết và cận Tết không khí Tết tràn khắp muôn nơi, khoảng cách không gian và thời gian dường như ngắn lại.
Ăn Tết online vì vậy cũng là một cách để vui chung không khí Tết quê nhà. Nhà mình gần Đại sứ quán Trung Quốc, vì vậy đêm giao thừa họ tổ chức bắn pháo hoa chúc mừng năm mới làm cả nhà cũng thấy an ủi, cảm nhận được chút niềm vui đón chào năm mới ở nơi chốn xa xôi này.
Không có không khí rộn ràng đón Tết như ở quê nhà. Không tiệc tùng, đón tiếp khách khứa tấp nập cùng những lời chúc may mắn luôn thường trực trong câu nói gặp nhau ngày Tết. Niềm vui duy nhất nhà mình khi đó là chờ thời khắc giao thừa hoặc mùng 1 Tết để gọi điện về Việt Nam chúc Tết ông bà và để cảm nhận được chút nào đó không khí Tết ở nhà.
Ngày Tết ngắn ngủi qua nhanh đến nỗi các bạn nhỏ nhà mình còn chưa kịp cảm thấy vị gì của Tết.
Những năm sau vì đã quen với nơi ở mới, nên việc đón Tết cũng chuẩn bị chu đáo và xôm tụ hơn một chút. Không thiếu một bình hoa tươi rộn ràng sắc Xuân, cũng thịt kho, khổ qua hầm, bánh chưng được để dành từ Việt Nam mang sang và một vài món ăn truyền thống khác được bày lên mâm cỗ ngày Tết.
Không khí gặp nhau của các gia đình cũng xôm tụ hơn, đông vui hơn, vì có thêm bạn bè là người bản xứ. Rồi nhà mình cũng quen với không khí Tết đơn giản này, bỗng thấy nhẹ nhàng và thư thái, chứ không tất bật như ở quê nhà. Ngày Tết dường như ngày càng ngắn lại trong nhịp sống của xã hội ngày càng phát triển.
Tết bây giờ đã thay đổi nhưng ít nhiều vẫn giữ được nếp xưa. Vì vậy, tôi thường về quê ăn Tết.
Hì hụi chuẩn bị cả tháng trời rồi ba ngày Tết trôi vèo. Thế chẳng phải cũng là niềm vui hay sao. Khi chuẩn bị Tết, ai cũng than phiền, nhưng kêu ca chắc chỉ là câu cửa miệng, chứ tôi cứ lẩn thẩn nghĩ, bây giờ nếu không có Tết, cả năm cứ hùng hục làm, hùng hục đi, chẳng có dấu lặng, chả có điểm gì để nhớ, chẳng có trạm nghỉ chân để nhìn lại mình.
Ngày Tết không chỉ là đánh dấu thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mà hơn thế nữa, đó chính là thời điểm của đoàn tụ gia đình, của sự kết tinh và gìn giữ những nét đẹp văn hóa được lưu truyền qua bao thế hệ.