| ||
Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ hạn chế in tiền mệnh giá 200 đồng và 500 đồng dịp Tết Giáp Ngọ 2014 |
Lễ hội chùa Hương "ngốn" 1.200 bao tải tiền lẻ
NHNN cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu tiền mặt tăng cao cả về số lượng và cơ cấu mệnh giá vào dịp Tết nguyên đán 2014, NHNN đã chủ động xây dựng các phương án cung ứng tiền mặt.
Đồng thời, tổ chức điều chuyển tiền mặt tới các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố để nâng cao dự trữ, sẵn sàng đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt của các tổ chức, cá nhân.
Hàng năm, cứ vào dịp trước Tết nguyên đán, NHNN thường đưa ra một lượng tiền mới mệnh giá nhỏ vào lưu thông. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ lượng tiền này được dùng đúng chức năng của đồng tiền là thanh toán. Còn lại, chủ yếu sử dụng cho nhu cầu tín ngưỡng.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú dẫn chứng, mỗi năm, sau dịp lễ hội chùa Hương, số tiền lẻ mệnh giá 200 đồng, 500 đồng lên tới 1.200 bao tải. Tuy giá trị của 1.200 bao tải tiền này chỉ có 25 tỷ đồng, nhưng ngành ngân hàng phải điều tới gần 200 xe chở tiền, huy động hàng trăm nhân lực để vận chuyển, kiểm đếm và lưu kho.
Từ ví dụ chùa Hương, nhân lên hàng trăm lễ hội, hàng chục ngàn đền chùa trong nước, số tiền lẻ mà ngành ngân hàng phải thu về cất kho hàng năm lên tới hàng chục, hàng trăm ngàn bao tải.
Đáng lưu ý, theo NHNN, số tiền lẻ này sau Tết quay trở lại hệ thống ngân hàng, nhưng rất khó đưa vào lưu thông, gây lãng phí lớn cho xã hội. Vì chi phí in ấn, bảo quản, vận chuyển… tiền mệnh giá rất tốn kém.
Bên cạnh đó, tại các khu di tích, đền, chùa, lễ hội, tiền mệnh giá nhỏ được người hành hương đi lễ đền, chùa sử dụng chưa phù hợp, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của di tích, làm xấu hình ảnh đồng tiền Việt Nam. Nhu cầu tiền lẻ tăng cũng làm dịch vụ đổi tiền trái phép phát sinh.
In tờ 500 đồng mất 1.500 đồng
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, chi phí in ra một đồng tiền lẻ mệnh giá nhỏ thường cao hơn mệnh giá của chính đồng tiền đó, gây lãng phí lớn. Đơn cử, chi phí in phí in tờ 500 đồng lớn khoảng 1.500 đồng, gấp 3 lần mệnh giá đồng tiền này và tương đương với chi phí in tờ 5.000 đồng.
“Nếu không in loại tiền mệnh giá nhỏ 200 đồng và 500 đồng để phục vụ nhu cầu tiền lẻ dịp Tết, ngân sách sẽ tiết kiệm được 300 tỷ đồng riêng tiền in ấn, chưa kể các chi phí khác”, Phó Thống đốc khẳng định.
Hạn chế in tiền lẻ mới, ưu tiên đưa tiền lẻ cũ ra lưu thông
Trước sự lãng phí do thói quen sử dụng tiền lẻ cho mục đích tâm linh trong dịp Tết, lãnh đạo NHNN cho hay, Tết năm nay, NHNN sẽ hạn chế tối đa việc in tiền mới mệnh giá nhỏ (loại 200- 500 đồng). Đây là loại tiền chiếm diện tích kho lớn nhưng rất ít có giá trị thanh toán.
Tuy không thêm in tiền mệnh giá nhỏ, song NHNN khẳng định sẽ đáp ứng được nhu cầu tiền lẻ trong nhân dân bằng cách đưa tiền mệnh giá nhỏ đã qua sử dụng vào lưu thông. Đây là giải pháp rất hợp lý để vừa đảm bảo giá trị đồng tiền, vừa chống lãng phí.
Bên cạnh đó, do cầu tiền lẻ lại tăng đột biến vào dịp Tết, chủ yếu sử dụng vì mục đích tín ngưỡng chứ không phải vì mục đích thanh toán, nguồn tiền lẻ của ngân hàng lại có hạn, nên người dân thường tìm đến các dịch vụ đổi tiền lẻ ăn chênh lệch. Chính vì vậy, NHNN cũng đề nghị Bộ Công an, Bộ Công thương quan tâm chỉ đạo các cơ quan của đơn vị mình ở địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch tại các điểm di tích, đền, chùa, lễ hội.
Đồng thời, NHNN cũng mong muốn Trung ương Hội phật giáo Việt Nam phối hợp cùng NHNN và các cơ quan chức năng khác tham gia tuyên truyền người dân tham gia hoạt động tín ngưỡng một cách lành mạnh, tiết kiệm, sử dụng đồng tiền đúng mục đích văn hóa.
Thùy Liên