Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận phát biểu tại Tọa đàm Kết nối xúc tiến đầu tư - thương mại Thái Bình và Hoa Kỳ |
Phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn giới thiệu về những tiền năng của tỉnh như: có vị trí địa lý thuận lợi, trong vùng tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; giao thông đường bộ, đường sông, đường biển thuận tiện cho phát triển kinh tế. Thái Bình có nguồn khí mỏ tự nhiên (với trữ lượng khoảng trên 10 tỷ m3) đã được khai thác, dẫn vào khu vực ven biển, sản lượng bình quân 200 triệu m3 khí/năm, phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp.
Ngoài ra, Thái Bình có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, trong độ tuổi lao động trên 1 triệu người, trong đó, đã qua đào tạo 643.000 người. Có 2 trường đại học, 4 trường cao đẳng và 26 cơ sở dạy nghề đào tạo trên 33.500 người/năm. Có Trung tâm điện lực công suất 1.800 MW đã hòa lưới điện quốc gia.
Đặc biệt, Thái Bình đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch Khu kinh tế Thái Bình, diện tích hơn 30.583 ha, cách thành phố Hải Phòng 35 km, kết nối tới các nước thông qua sân bay Cát Bi và cảng Lạch Huyện.
Năm 2020, chỉ số PCI tỉnh Thái Bình thuộc nhóm khá, xếp thứ 25/63 tỉnh/ thành phố, tăng 3 bậc và chỉ số PAPI xếp thứ 20/63, tăng 13 bậc so với năm 2019, minh chứng cho sự tiến bộ chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh.
Ông John Rockhold Phó Chủ tịch AmCham tại Việt Nam đánh giá cao về tỉnh Thái Bình tại Tọa đàm Kết nối xúc tiến đầu tư - thương mại Thái Bình và Hoa Kỳ |
Phát biểu tại Tọa đàm, ông John Rokhol Phó Chủ tịch AmCham đánh giá cao việc Thái Bình tổ chức sự kiện, cung cấp những hiểu biết quan trọng về chất lượng lao động, cơ sở hạ tầng, tính minh bạch và các chỉ số chính khác giúp các thành viên của AmCham đưa ra quyết định kinh doanh sáng suốt về việc đầu tư vào Việt Nam.
"Chúng tôi đặc biệt nhận ra nhu cầu năng lượng của Thái Bình và có kế hoạch giải quyết các nhu cầu này trong Kế hoạch phát triển chính sách sắp tới. Tuy nhiên, Việt Nam có mức tiêu thụ năng lượng trên mỗi đầu tư cao nhất Đông Nam Á. Điều này thể hiện một cơ hội để thúc đẩy các nhà cung cấp SME Việt Nam của chúng tôi tìm ra các giải pháp để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và khử cacbon cho các sản phẩm và hàng hóa. Gần đây, chúng ta đã thấy các kế hoạch khử cacbon xuất phát từ Nghị quyết 55 của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nghị quyết 140 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về chiến lược năng lượng 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Việc khử cacbon cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam làm giảm cơ hội áp dụng thuế cacbon trên toàn thế giới khi sử dụng tốt các nguồn cung cấp năng lượng cacbon cao. Những thách thức phía trước là duy trì tính cạnh tranh trong khu vực châu Á và toàn cầu, tôi khuyến khích cải cách, chính xác hơn thông qua lộ trình giá điện hơn nữa và các ưu đãi thuế để thực hiện khử cacbon và tiết kiệm năng lượng", ông John Rokhol chia sẻ.
Ông John Rockhol cho biết sẽ báo cáo lại các doanh nghiệp thành viên AmCham những thế mạnh tiềm năng, môi trường đầu tư của Thái Bình, nhất là Khu kinh tế Thái Bình để đầu tư cùng Thái Bình xây dựng thành công những khu công nghiệp thông minh, thành phố thông minh.
Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Đỗ Văn Vẻ cho biết, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Bình rất mong được hợp tác liên kết đầu tư sản xuất kinh doanh với các doanh nghiệp Hoa Kỳ ở các lĩnh vực các doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm tìm hiểu đầu tư và đề nghị Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, AmCham, lãnh đạo tỉnh Thái Bình tạo thuận lợi nhất để các doanh nghiệp Hoa Kỳ và Thái Bình được liên kết đầu tư sản xuất kinh doanh phát triển lâu dài và bền vững.
Ông Nguyễn Tiến Phương, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất hàng thể thao Tân Đệ phát biểu tại Tọa đàm |
Đại diện cho doanh nghiệp Thái Bình, ông Nguyễn Tiến Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần sản xuất hàng thể thao Tân Đệ chia sẻ: Được sự ủng hộ của tỉnh Thái Bình, hơn 10 năm Tân Đệ đã đầu tư 7 nhà máy, tạo việc làm cho 16 nghìn lao động, xuất khẩu 1 năm gần 12 triệu sản phẩm. Khách hàng chính tại Mỹ là các công ty VF; Under Amour; Gap – Atheleta; Marmot; Patagonia; REI; Black Diamon. Tân Đệ luôn mong có nhiều nhà đầu tư lớn, trong đó có Hoa Kỳ đến với Thái Bình để góp phần xây dựng cuộc sống phồn vinh cho người dân địa phương.
Bế mạc tọa đàm, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận kết luận: Tọa đàm đã thành công tốt đẹp, mở ra nhiều hướng hợp tác giữa Thái Bình và các đối tác Hoa Kỳ. Thái Bình luôn xác định thu hút đầu tư là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Do đó, với tiềm năng, cơ hội hợp tác còn dồi dào, Thái Bình mong nhận được sự quan tâm và sớm được đón các doanh nghiệp Hoa Kỳ đến nghiên cứu, khảo sát, hợp tác, đầu tư.
Từ tinh thần của buổi Tọa đàm, tỉnh Thái Bình trân trọng đề xuất một số nội dung hợp tác với phía các doanh nghiệp Hoa Kỳ:
Đề nghị AmCham và các tổ chức của Hoa Kỳ giới thiệu các doanh nghiệp Hoa Kỳ đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư vào Thái Bình trên các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Điện khí và điện gió theo quy hoạch. Các dự án công nghệ cao, năng lượng sạch. Các dự án sản xuất dược phẩm, thiết bị y tế. Các dự án giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Các dự án phát triển hạ tầng du lịch.
Dựa trên các sản phẩm là thế mạnh của tỉnh, Thái Bình trân trọng đề nghị AmCham và các doanh nghiệp Hoa Kỳ trao đổi với các đối tác, doanh nghiệp Thái Bình về các yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu thuế quan, nhập khẩu… của phía Hoa Kỳ, đặc biệt về xu hướng, thị hiếu của người tiêu dùng, từ đó định hướng được sản phẩm xuất khẩu đạt yêu cầu thị trường Hoa Kỳ.
Tỉnh Thái Bình cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo thông thoáng, hấp dẫn, minh bạch; rà soát, chỉnh sửa các cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Thái Bình luôn đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư yên tâm làm ăn lâu dài và với quan điểm nhà đầu tư thành công chính là động lực phát triển của tỉnh.