Sáng 16/12/2023, trong khuôn khổ chuyến công du Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản. Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức.
Tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ trao 30 thỏa thuận, văn kiện hợp tác giữa các bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản. Trong đó, ông Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Nhà máy điện khí LNG cho liên danh 3 nhà đầu tư gồm Công ty Tokyo Gas, Công ty Điện lực Bắc Kyuden của Nhật Bản và Tập đoàn Trường Thành của Việt Nam.
Với công suất 1.500 MW, dự án điện khí này có tổng vốn đầu tư 1,99 tỷ USD. Như vậy, lại tiếp tục có dự án tỷ USD đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong năm nay.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Điện khí LNG 1,99 tỷ USD dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP) |
Theo Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải, dự án này có ý nghĩa quan trọng, khi đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội của Thái Bình phát triển, nâng cao quy mô nền kinh tế cũng như vị thế của tỉnh; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Thái Bình thời gian gần đây đang nổi lên là một trong những địa phương đi đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài. Chỉ riêng trong năm nay, tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án đã đạt gần 90.000 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, riêng vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 3 tỷ USD, cao nhất kể từ trước tới nay.
Một số dự án lớn có thể kể đến như, dự án của Công ty TNHH Compal Electronic (Việt Nam), xây dựng nhà máy sản xuất, gia công máy vi tính, thiết bị ngoại vi của máy vi tính, với tổng mức đầu tư dự kiến 260 triệu USD; dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Sản xuất tấm bán dẫn Silic tinh thể dùng để sản xuất tấm tế bào quang điện của Công ty ET Solar Power HongKong Limited, với tổng mức đầu tư dự kiến 150 triệu USD; hay dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Sản xuất đồ uống của Tập đoàn HiteJinro, với tổng mức đầu tư dự kiến 100 triệu USD… Và giờ đây, là dự án điện khí gần 2 tỷ USD.
Ngoài dự án điện khí gần 2 tỷ USD của Thái Bình, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, TP. Cần Thơ và AEON đã trao thỏa thuận hợp tác nghiên cứu đầu tư trung tâm thương mại tại Cần Thơ; còn tỉnh Hưng Yên và Tập đoàn Sumitomo trao thỏa thuận hợp tác phát triển giai đoạn 4 KCN Thăng Long 2…
Trong khi đó, Sun Group cũng có thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Taisei tại Vân Phong (Khánh Hòa). Well Group cũng hợp tác để xây dựng các cơ sở chăm sóc sức khỏe tại Vân Phong…
Trước đó, khi phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng.
Việt Nam cũng đã đặt mục tiêu chiến lược là đến năm 2030 trở thành quốc gia đang phát triển, có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong đó, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.
Thủ tướng đã kêu gọi các các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đến đầu tư và thành công tại Việt Nam, thu được kết quả ngày càng cao hơn; thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam là nơi trú ẩn an toàn trước cơn bão, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều rủi ro như hiện nay.