Viễn thông - Công nghệ
Thái Bình: Hội thảo hướng tới doanh nghiệp số, công dân số
Dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) và UBND tỉnh Thái Bình và Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) tổ chức Hội thảo “Chính phủ số - Giải pháp nền tảng kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu các hệ thống thông tin hướng tới doanh nghiệp số, công dân số”.
Toàn cảnh hội thảo Chính phủ số - Giải pháp nền tảng kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu các hệ thống thông tin hướng tới Doanh nghiệp số, công dân số.

Việc xây dựng Chính phủ số là một nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực dịch vụ công ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng công nghệ thông tin làm nền tảng phát triển Chính phủ số trong các cơ quan nhà nước đang tồn tại nhiều bất cập. Việc chia sẻ, kết nối, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan tổ chức còn hạn chế và thiếu đồng bộ. Mỗi cơ quan có một hệ thống thông tin khác nhau, không liên thông với nhau mả chỉ chia sẻ một số trường thông tin liên quan.

Thêm vào đó, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia chưa hoàn thiện. Đặc biệt, một số hệ thống dữ liệu quốc gia quan trọng, là cốt lõi của Chính phủ số như Cơ sở dữ liệu dân cư, hệ thống mã số định danh cá nhân, hệ thống xác thực định danh quốc gia vẫn chưa được triển khai thực hiện đầy đủ…

Phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh: Công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông đóng vai trò quan trọng, là kênh kết nối trao đổi giữa các thành phần của xã hội, văn hóa, giáo dục, kinh tế. Tỉnh Thái Bình đã lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong hoạt động chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính.

Ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ TT&TT đã nêu rõ định hướng phát triển chính phủ số, đồng thời bày tỏ mong muốn các bên tham gia sẽ trao đổi chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong thực tiễn triển khai, các khó khăn, vướng mắc. Bộ TT&TT sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ, đồng hành với các ngành, địa phương trong triển khai kết nối, đảm bảo an toàn thông tin cho việc kết nối với hệ thống thông tin trung ương và địa phương.

Phát biểu về kết quả triển khai các hệ thống thông tin của tỉnh kết nối liên thông với các hệ thống thông tin quốc gia, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thái Bình Vũ Tiến Khoái nêu rõ: Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và triển khai các ứng dụng CNTT phù hợp với điều kiện của tỉnh; Đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, đảm bảo an toàn thông tin, đáp ứng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT và của tỉnh đến các huyện, xã. Hoàn thành, nâng cấp hệ thống Cổng thông tin điện tử của tỉnh và 27 cổng thành phần của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, cung cấp 6.000 địa chỉ thư điện tử cho 100% cán bộ, xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu dùng chung của tỉnh, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4;…

Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ SAVIS Hoàng Nguyên Vân nêu các giải pháp ứng dụng nền tảng số - Digital Gov 2.0, giúp kết nối chia sẻ liên thông các hệ thống thông tin Chính phủ, hướng tới Chính phủ số. SAVIS luôn đi đầu trong việc nghiên cứu và phát triển các giải pháp, nền tảng công nghệ tiên tiến, phục vụ chuyển đổi số trong các cơ quan, tổ chức, đáp ứng các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế.

Ông Dư Thái Hùng - Giám đốc Trung tâm CNTT của Tổng Công ty Viễn thông Mobifone chia sẻ, chuyển đổi số không phải là hình thức chuyển đổi công nghệ, đó là sự thay đổi cùa doanh nghiệp tại thởi điểm hội tụ đủ cả 3 yếu tố: công nghệ, kinh doanh và con người. Hiện tại, Mobifone đang cung cấp bộ giải pháp doanh nghiệp số bao gồm 3 nhóm giải pháp chính: Quản lý hành chính, hỗ trợ kinh doanh, chăm sóc khách hàng góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy Chính phủ, khắc phục những hạn chế hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tin liên quan
Tin khác