Ngày 22/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thảo tham vấn về dự thảo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải và Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận chủ trì Hội thảo. (Ảnh: Minh Hậu) |
Theo dự thảo quy hoạch, "Thịnh vượng, Đáng sống, Bền vững" là 3 từ khóa mô tả xuyên suốt tầm nhìn của Thái Bình đến năm 2050. Theo đó, Thái Bình sẽ trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển của khu vực đồng bằng sông Hồng; là nơi bình yên, an toàn, đáng sống; phát triển bền vững, trong đó bảo tồn được các giá trị văn hóa, cũng như gìn giữ môi trường cho thế hệ tương lai.
Với mục tiêu phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, tỉnh xác định công nghiệp - xây dựng là trụ cột tăng trưởng kinh tế. Dự thảo Quy hoạch cũng nhấn mạnh, định hướng đưa công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng và trở thành 1 trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng. Phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực Đồng bằng sông Hồng. Tầm nhìn đến năm 2050 là tỉnh có kinh tế thịnh vượng, xã hội tiến bộ, môi trường bền vững, các ngành kinh tế có sức cạnh tranh cao, tăng trưởng kinh tế dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ.
Quy hoạch cũng đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển và 1 số định hướng lớn thực hiện trong giai đoạn 2022-2030. Nhất là trong xây dựng và phát triển khu kinh tế Thái Bình trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Minh Hậu) |
Các quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình được xác định với 6 định hướng lớn về pháp luật; kinh tế; tính bền vững; khoa học - công nghệ; xã hội; con người, trong đó, quy hoạch đô thị và giao thông tập trung tăng cường kết nối giao thông với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ nhằm phát triển liên kết liên tỉnh, liên vùng với các khu vực lân cận; phát triển tập trung theo 02 trục chính: Bắc - Nam với động lực là khu kinh tế ven biển Thái Bình, và trục Tây - Đông với động lực kết nối thủ đô Hà Nội, thành phố Thái Bình với cửa ngõ không gian biển.
Dự thảo đã đề xuất 8 nhóm quy hoạch bao gồm phát triển mối liên kết vùng; phân vùng và trục hành lang phát triển; phát triển đô thị, nông thôn; phát triển hệ thống giao thông và dịch vụ logistic; phương án phát triển không gian kinh tế; định hướng quy hoạch không gian biển; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; một số đề xuất khác.
Tỉnh Thái Bình đặt 3 kịch bản và luận chứng phát triển: (1) Phát triển nhanh và bền vững, và theo trọng tâm với tốc độ tăng trưởng hàng năm giai đoạn 2021-2030 đạt 13,0%; (2) Tăng trưởng vừa phải với tốc độ tăng trưởng hàng năm giai đoạn 2021-2030 đạt 12,2%; (3) Tăng trưởng cao và phát triển đột phá với tốc độ tăng trưởng hàng năm giai đoạn 2021-2030 đạt 13,4%, đây cũng là kịch bản tăng trưởng tỉnh Thái Bình lựa chọn và đặt mục tiêu phấn đấu.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Minh Hậu) |
Tham gia ý kiến tại Hội thảo các đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao dự thảo quy hoạch của tỉnh Thái Bình và cho rằng dự thảo đã cô đọng, ngắn gọn các nội dung phát triển chính. Quy hoạch được xây dựng phù hợp với định hướng phát triển, đáp ứng các yêu cầu của Luật Quy hoạch và nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 841/QĐ-TTg.
Tuy nhiên, nội dung đánh giá thực trạng còn chưa làm rõ tiềm năng, lợi thế và những vấn đề đặt ra trong quy hoạch Tỉnh. Các nội dung nhận định về cơ hội, điểm yếu, thách thức chưa nói rõ những đặc trưng của Tỉnh cũng như những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển của Tỉnh trong tương lai; cần tập trung đánh giá rõ kết nối của tỉnh Thái Bình trong mối liên kết vùng; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; làm rõ quan hệ phát triển giữa vùng với thiên nhiên và con người; phương pháp phân bổ phát triển hạ tầng.
Ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND Tỉnh cho biết, đó là Thái Bình luôn xác định công tác triển khai lập quy hoạch là nhiệm vụ hết sức quan trọng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, Thái Bình đã nỗ lực chỉ đạo, triển khai các công việc trong lập quy hoạch tỉnh đặc biệt là lấy ý kiến các sở, ban, ngành, địa phương và các chuyên gia trong lập quy hoạch. Quá trình triển khai được tỉnh thực hiện một cách nghiêm túc, công phu, kỹ lưỡng.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng giúp Tỉnh hoàn thiện bản dự thảo Quy hoạch. "Các ý kiến góp ý sẽ là tài liệu quý báu để Tỉnh có những ý tưởng mang tính đột phá trong xây dựng quy hoạch, góp phần quan trọng vào việc phát triển tỉnh Thái Bình", ông Thận nói.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đề nghị tỉnh Thái Bình tiếp thu, nghiên cứu, bổ sung các ý kiến của chuyên gia tham dự; đánh giá cụ thể các tồn tại trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong thời gian qua, xác định trọng tâm phát triển để có các giải pháp phù hợp, sớm hoàn thiện dự thảo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương:
Công tác quy hoạch đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của từng ngành, từng vùng, từng địa phương nói riêng. Chính vì vậy, Quốc hội đã ban hành Luật Quy hoạch năm 2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.
Đến nay, trên phạm vi cả nước đã có Quy hoạch sử dụng đất quốc gia được Quốc hội thông qua, theo đó, chỉ tiêu sử dụng đất đã được Thủ tướng Chính phủ phân khai tại Quyết định số 326/QĐ-TTg; 04 quy hoạch ngành giao thông vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, một số quy hoạch ngành quốc gia khác đang trong quá trình hoàn thiện; Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng và các quy hoạch các vùng còn lại đang triển khai tổ chức lập.
Tại địa phương, đã có 36 quy hoạch tỉnh đã được lập xong, trong đó: 01 quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt (quy hoạch tỉnh Bắc Giang); 07 quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong và đang hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; 06 quy hoạch tỉnh đang xem xét thẩm định; 24 quy hoạch tỉnh đã gửi xin ý kiến. Các địa phương còn lại đang tích cực đẩy nhanh tiến độ và phấn đấu thực hiện theo Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội, trong đó có tỉnh Thái Bình.
Kết quả nêu trên rất có ý nghĩa trong việc phối hợp giữa các quy hoạch trong Hệ thống quy hoạch quốc gia để rà soát, tham chiếu, tích hợp và hoàn thiện quy hoạch tỉnh.