Đại diện Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) nêu ý kiến tại Hội thảo: "Góp ý hoàn thiện dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tại VCCI, sáng 11/7. |
Sáng 11/7/2024, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo: "Góp ý hoàn thiện dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)".
Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo với nhiều sửa đổi quan trọng, trong đó có những mặt hàng được bổ sung vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), một số mặt hàng được điều chỉnh thuế suất với lộ trình cụ thể, thay đổi phương pháp tính thuế.
Những sửa đổi này sẽ có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật và người tiêu dùng.
Đóng góp ý kiến ngay đầu phiên hội thảo, bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch Hiêp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (BVA) nói: "Doanh nghệp đồ uống là đối tượng chịu tác động chính của luật thuế này. Nếu đánh thuế đồ uống có đường để hạn chế thừa cân, béo phì sẽ không hiệu quả, vì người tiêu dùng sẽ chuyển sang các mặt hàng khác có đường nhiều hơn mà không phải chịu thuế".
Khảo sát về thói quen chọn lựa nước uống của người tiêu dùng của Decision Lab cho thấy, nếu áp thuế lên nước giải khát thì sẽ có 49% người tiêu dùng chuyển sang dùng các sản phẩm thay thế là nước uống chế biến tại chỗ có đường.
Đây là nguồn đồ uống khó kiểm soát về chất lượng và hàm lượng đường và khả năng thu thuế của cơ quan nhà nước từ các nguồn này là không khả thi.
Kính nghiệp quốc tế cho thấy, công cụ thuế không hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ thừa cân béo phì. Việc áp dụng công cụ thuế có thể làm giảm tiêu thụ nước giải khát có đường ở một mức độ nhất định nhưng không dẫn đến giảm tỷ lệ thừa cân.
Đại diện Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ (Amcham) dẫn chứng: "Thực tế không ít quốc gia bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường sau thời gian dài áp dụng nhưng không đem lại hiệu quả ngăn thừa cân béo phì, nhưng kinh tế thì bị ảnh hưởng. Na Uy áp dụng thuế này từ 1981, 40 năm thực hiện, thừa cân, béo phì vẫn tiếp tục tăng, do đó nước này bỏ áp thuế từ 7/2021".
Cho rằng, các doanh nghiệp đồ uống vẫn đang đối mặt quá nhiều khó khăn, hệ luỵ của giai đoạn dịch bệnh còn chưa qua, VBA đề nghị ban soạn thảo xem xét chưa bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế trong lần sửa đổi này", bà Vân Anh nói.
Từ TP.HCM bay ra Hà Nội dự Hội thảo, ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Pháp chế Tập đoàn Tân Hiệp Phát nêu quan điểm: "Với mục tiêu ngăn ngừa béo phì và tăng thu ngân sách, doanh nghiệp nhất trí mục tiêu đầu tiên nhưng vấn đề đặt ra, liệu mục tiêu này có đạt được qua việc áp thuế không, có công bằng không, trong khi doanh nghiệp sản xuất cầm chắc ảnh hưởng mà hành vi người tiêu dùng chưa chắc đã thay đổi theo hướng tích cực".
Về khía cạnh tăng thu thuế như dự thảo Luật đề cập, ông Hưng cho rằng: "Tăng thu được hay không, không chỉ vào số thu tăng thêm của phần thuế đó mà phải tính cả hiệu quả chung của toàn xã hội, doanh nghiệp và các thành phần khác có liên quan".
Theo tính toán, nếuáp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường với mức thuế suất 10%, ngành sản xuất kinh doanh nước giải khát thiệt hại 3.664 tỷ đồng, doanh nghiệp càng áp lực hơn về tài chính, có thể gia tăng số lao động mất việc làm, giảm thu nhập.
Nêu dẫn chứng, đại diện Tân Hiệp Phát nói: "Đầu tư cho sản xuất nước giải khát cần nguồn vốn cực lớn. Chúng tôi đầu tư hơn 300 triệu USD cho 12 dây chuyền trên cả nước, nếu áp thuế 10% thì khó chồng khó, các kế hoạch dài hạn lập trừ trước sẽ không ứng phó được, chưa kể tác động đến 700.000 nhà phân phối, hàng triệu hộ nông dân trồng trà, ảnh hưởng tiêu cực tới cả chuỗi sản xuất".
Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất bia cũng không ít băn khoăn.
Ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc đối ngoai cấp cao Heineken Việt Nam nêu quan điểm: "Việc tăng thuế cần được xem xét cẩn trọng và đánh gia tác động một cách toàn diện, đảm bảo cân bằng về thu ngân sách, ổn định kinh tế, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, đồng thời, cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế".
Ngành bia hiện có vai trò cực lớn, nhất là với các nhà máy đặt tại địa phương, đóng góp đáng kể cho kinh tế vùng và địa phương, đảm bảo an sinh và nộp góp ngân sách nhà nước khoảng gần 60.000 tỷ đồng/năm.
Do đó, ông Phúc lo ngai, áp thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất mà còn ảnh hưởng đến cả chuỗi trong hệ sinh thái ngành, từ sản xuất nông nghiệp, bao bì, dịch vụ, du lịch, kinh tế đêm...
"Giãn lộ trình tăng thuế là cần thiết nhất cho doanh nghiệp, là cách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn đang trên hành phục hồi sau giai đoạn khó khăn dài vừa qua", ông Phúc nhấn mạnh.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế (VCCI): "Là dự thảo luật có mức độ lớn tới các ngành hàng nên mức độ quan tâm lớn của các ngành hàng, doanh nghiệp đồ uống cực lớn. Một bộ luật không thể làm hài lòng tất cả, nhưng thông qua ý kiến doanh nghiệp, kỳ vọng ban soạn thảo luật sẽ cân nhắc để đưa ra quyết định thấu đáo nhất".