Doanh nghiệp
Than đã bớt ế
Thanh Hương - 08/09/2013 07:40
Việc Bộ Tài chính điều chỉnh giảm thuế suất thuế xuất khẩu than xuống 10% từ 1/9/2013 được kỳ vọng sẽ giúp Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đảm bảo các chỉ tiêu đề ra từ đầu năm.

Trước đó, thuế xuất khẩu than đã được nâng lên ở mức 13% từ ngày 7/7/2013. “Trong tình hình giá than thế giới có chiều hướng giảm, nếu vẫn duy trì mức thuế như trước ngày 1/9 có thể khiến một số khách hàng truyền thống chuyển sang mua than của đối tác khác và quay lưng lại với than Việt Nam”, ông Lê Minh Chuẩn, Tổng giám đốc Vinacomin cho biết.

Giảm thuế sẽ tăng tính cạnh tranh cho than xuất khẩu của Việt Nam

Theo đánh giá mới nhất của Bộ Công thương, 8 tháng đầu năm nay, sản lượng than sạch ước đạt gần 27 triệu tấn, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2012.

Đáng chú ý là, hoạt động tiêu thụ than vẫn chưa được cải thiện, do các hộ sản xuất cầm chừng.

Ước tính, tiêu thụ than trong tháng 8/2013 giảm 25,5% so với tháng 7/2013 và giảm 25,3% so với tháng 8/2012.

Trong đó, than đá xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm nay đạt 8,1 triệu tấn, giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2012.

Thực tế khai thác và tiêu thụ than nêu trên chịu tác động không nhỏ từ việc thuế suất thuế xuất khẩu than trong tháng 7 và tháng 8/2013 được giữ ở mức 13%, khiến giá than xuất khẩu đứng ở mức cao và Việt Nam không cạnh tranh được với than của những nước khác trên thị trường xuất khẩu.

Nhiều chủng loại than đã phải dừng xuất khẩu khi thuế xuất khẩu than được điều chỉnh lên mức 13% từ ngày 7/7/2013. Nguyên do sau khi trừ thuế 13%, phần còn lại không bù đắp được chi phí sản xuất. Lượng than xuất khẩu đã giảm từ mức 3 - 4 triệu tấn/quý (như thực hiện trong 6 tháng đầu năm) xuống còn tối đa 0,5 - 0,8 triệu tấn/quý. Tháng 7/2013, Vinacomin chỉ xuất khẩu được 237.000 tấn, còn trong tháng 8 là 250.000 tấn.

Tiêu thụ không tăng, nhưng Vinacomin lại không dám cắt giảm mạnh sản lượng than khai thác, bởi e ngại tình trạng thợ mỏ quay lưng, tìm việc khác.

“Vinacomin chấp nhận tăng tồn kho so với kế hoạch ban đầu dự tính là thêm 2,4 triệu tấn nữa, để đảm bảo ổn định, công ăn việc làm cho công nhân mỏ như hiện tại. Đây là việc cực chẳng đã với doanh nghiệp”, ông Lê Minh Chuẩn cho hay.

Chia sẻ thực tế này, ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) cho hay, năm 2013, khối lượng than được các cơ quan hữu trách cho phép là không vượt qua khối lượng xuất khẩu của năm 2012, tức là khoảng 14,5 triệu tấn. Song lượng than tồn tới cuối tháng 8 là 8 triệu tấn, trong đó có khoảng 6 triệu tấn là than thương phẩm.

Giải pháp tạm thời được Vinacomin đưa ra là tăng sản xuất của các đơn vị có giá thành thấp và giảm sản xuất ở các đơn vị có giá thành cao. Tuy nhiên, tồn kho tăng và hàng chậm tiêu thụ cũng gây áp lực lên đầu tư của Vinacomin.

Suất đầu tư một dự án tham hầm lò như tại mỏ than Nam Mẫu hay Núi Béo là khoảng 200 USD/tấn. Với quy mô công suất 2 - 2,5 triệu tấn/năm, nhu cầu vốn cho mỗi dự án đầu tư này khoảng 5.000 - 8.000 tỷ đồng. Đây là một con số không nhỏ trong điều kiện bán hàng khó khăn hiện nay.

Bên cạnh đó, với đặc thù của ngành than có rủi ro nghề nghiệp không nhỏ, các chi phí cho an toàn khai thác mỏ và các chi phí khác vẫn tiếp tục tăng mạnh trong khi hoạt động khai thác ngày càng xuống sâu hơn, xa hơn, đang khiến việc tuyển thợ mỏ của các doanh nghiệp ngành than trở thành một thách thức lớn.

Ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Than Nam Mẫu cho hay, các doanh nghiệp ngành than rất đau đầu với việc tuyển thợ mỏ trong điều kiện có nhiều ngành công nghiệp cạnh tranh, công nghiệp sạch, hấp dẫn người lao động như hiện nay. Nếu không có chính sách riêng để thu hút thợ mỏ, thì khó tìm được người khi áp lực sản lượng than trong những năm tới tiếp tục gia tăng, đặc biệt là theo hướng xuống sâu hơn.

Bởi vậy, việc thuế suất thuế xuất khẩu than được điều chỉnh giảm xuống còn 10% từ tháng 9/2013 cũng được Vinacomin kỳ vọng sẽ giúp cải thiện được một số điểm nghẽn của ngành than.

Tuy vậy, Vinacomin cũng chỉ hy vọng sẽ xuất khẩu được 1 triệu tấn than/tháng trong 4 tháng còn lại của năm 2013, tức là vẫn tiếp tục giảm so với số lượng xuất khẩu của năm 2012.

“Sau 2 tháng không có nhiều giao dịch, khách hàng cũng đã tìm nguồn khác, giờ đây Vinacomin sẽ phải đàm phán lại việc mua bán”, ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Vinacomin cho phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn hay và nhấn mạnh, Vinacomin sẽ tiếp tục đề nghị các cơ quan hữu trách duy trì mức thuế hợp lý theo các mức giá than trên thị trường thế giới.

Tin liên quan
Tin khác