Đầu tư
"Thần tốc" - Máy đào hầm đầu tiên của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội
Minh Hải - Chí Cường - 31/12/2020 15:31
Ngày 30/12, sau hai tháng vận chuyển và lắp đặt, khiên đào – bộ phần cuối cùng của máy TBM có tên gọi là “Thần tốc” đã được hạ xuống tầng đáy ga ngầm S9 - Kim Mã.
Khiên đào TBM của máy đào hầm "Thần tốc"

Ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng Ban, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, dự kiến trong ngày hôm nay công tác lắp đặt khiên đào vào máy đào "Thần tốc" sẽ hoàn thành.

"Thần tốc" là máy đào hầm metro đầu tiên của Thủ đô Hà Nội. Máy được thiết kế riêng cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội và được sản xuất bởi hãng Herrenkecht (CHLB Đức),

"Thần tốc" có chiều dài hơn 100 m, nặng khoảng 850 tấn gồm nhiều bộ phận, thiết bị phức tạp được tháo rời thành nhiều mảnh để vận chuyển và được lắp ráp hoàn thiện  tại đáy ga ngầm S9.

Riêng khiên đào nặng khoảng 63,3 tấn gồm các bộ phận chính như đầu cắt, lưỡi cào, dụng cụ xới và các răng gàu xúc... được thiết kế phù hợp tối ưu với địa chất của Hà Nội.

Theo ông Lê Trung Hiếu, điểm đặc biệt của máy đào TBM này là khiên đào có đường kính 6,55 m được sơn với họa tiết cờ đỏ sao vàng nổi bật.

Ban Quản lý, các nhà thầu của dự án trước thời điểm cẩu hạ khiên đào xuống đáy ga ngầm S9 - Kim Mã

Máy đào hầm TBM hoạt động trên nguyên lý cân bằng áp lực đất. Phía sau khiên đào được bố trí một vách ngăn kín. Đất từ khiên đào sẽ rơi vào khoang kín và tạo ra sự cân bằng áp lực giữa đất đào và đất chưa đào, làm cho gương đào ổn định và không sạt lở. Áp lực của đất trong khoang cân bằng và luôn được theo dõi bởi các thiết bị đặc biệt đặt trực tiếp trong đó.

Việc quan trắc và cảnh báo sụt lún đất trong quá trình đào cũng được MRB cùng các nhà thầu hết sức quan tâm nhằm đảm bảo an toàn cho các công trình trên và dưới mặt đất.

Khiên đào TBM được cẩu lên và di chuyển để hạ xuống giếng đào

Dự kiến sau khi hoàn thành lắp đặt, máy đào hầm "Thần tốc" sẽ được các Chuyên gia từ hãng Herrenkecht cùng các Kỹ sư, công nhân Việt Nam tiến hành hiệu chỉnh, đảm bảo các tham số vận hành ở mức hoàn hảo trước khi tiến hành công tác đào hầm.

Khiên đào được lắp đặt vào thân máy đào TBM

Cỗ máy đào hầm thứ hai có tên “Táo bạo” hiện đang được vận chuyển về Việt Nam và cũng sẽ được tiến hành hạ xuống đáy nhà ga S9.

Khiên đào TBM "Thần tốc" được sơn hoạ tiết cờ đỏ sao vàng

Sau khi lắp ráp, hiệu chỉnh xong, dự kiến vào đầu tháng 4/2021, các máy TBM sẽ bắt đầu khoan từ ga S9 tới ga S12 - Ga Hà Nội ở cuối đường Trần Hưng Đạo với tổng chiều dài 4 km, hai máy không khoan song song mà sẽ cách nhau ở khoảng cách 100 - 200 m. Khoan đến đâu vỏ hầm sẽ được lắp hoàn thiện đến đấy.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng Ban, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) chia sẻ thông tin về tiến độ dự án

"Theo thiết kế, trong điều kiện lý tưởng, mỗi ngày máy TBM sẽ đào được khoảng 10 m đường hầm. Như vậy với tổng chiều dài khoảng 4 km dự kiến sẽ mất khoảng 400 ngày để hoàn thành công tác đào hầm", ông Lê Trung Hiếu cho biết.

Dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội đang được xây dựng có chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm. Dự án có tổng mức đầu tư 1,176 tỷ Euro, từ nguồn vốn vay ODA Ngân hàng đầu tư châu Âu, Chính phủ Pháp, Ngân hàng phát triển châu Á và vốn đối ứng trong nước.

Dự án gồm 10 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu được thiết kế thành 4 toa với tổng chiều dài 78,2 m, có 94 ghế được phân chia ra các khu vực cho người tàn tật và có thể chở tổng cộng 944 hành khách mỗi chuyến. Tàu sẽ khai thác với tốc độ thương mại 35k m/giờ, tốc độ thiết kế tối đa đạt 80 km/giờ. Đoàn tàu đầu tiên được chế tạo tại Pháp đã về Việt Nam vào ngày 18/10/2020.  Dự kiến, tháng 1/2021, đoàn tàu thứ 2 sẽ về Việt Nam và đến tháng 6/2021 tất cả 10 đoàn tàu tuyến sẽ có mặt đầy đủ.

Dự kiến dự án sẽ đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào tháng 4/2021, đoạn đi ngầm vào tháng 12/2022.

Tin liên quan
Tin khác