Mới đây, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mỳ ăn liền có chứa chất Ethylene oxide. Trong đó có 2 sản phẩm mỳ ăn liền của một doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và xuất khẩu.
Ảnh minh họa. |
Theo thông tin từ website của FSAI đăng tải, một số lô mì Hảo Hảo và miến Good do Công ty Acecook Việt Nam sản xuất có chứa chất Ethylene Oxide. Đây là chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở Liên minh châu Âu (EU).
FSAI nói rõ dù việc tiêu thụ sản phẩm bị nhiễm chất này không gây ra rủi ro cấp tính, nhưng việc tiêu thụ Ethylene Oxide trong thời gian dài có thể gây ra vấn đề về sức khỏe. Do đó, cần giảm thiểu tiêu thụ Ethylene Oxide.
Trước thông tin nêu trên, đại diện truyền thông của Acecook Việt Nam chia sẻ, phía công ty đang tiến hành điều tra sự việc. Công ty sẽ phản hồi thông tin chính thức tới các cơ quan thông tấn, báo chí.
Về vấn đề này, theo đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế Việt Nam), việc quản lý chất lượng sản phẩm mỳ ăn liền do Bộ Công Thương phụ trách.
Cục An toàn thực phẩm đã có công văn số 1639/ATTP-NĐTT ngày 27/8/2021 đề nghị Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) xác minh, làm rõ thông tin nói trên và kịp thời thông tin tới người tiêu dùng.
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết, thông tin này phải rất thận trọng, bởi cùng là mã Code QR nhưng có quốc gia chấp nhận, có nước lại không. Ngoài ra, với hóa chất trong thực phẩm thông thường đều có một ngưỡng cho phép, kể cả hóa chất bảo vệ thực vật (có trong rau, củ, quả).
Do đó, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị các đơn vị, người dân cần thận trọng với các thông tin liên quan đến hóa chất trong sản phẩm và chờ thông tin chính thức từ cơ quan chức năng.
Theo các chuyên gia, Ethylene oxide (còn được gọi là EO hoặc EtO) là một hợp chất hữu cơ, có công thức hóa học C2H4O (dạng khí). EO chủ yếu được sử dụng để làm làm chất chống đông và polyester.
Một lượng nhỏ của ethylene oxide được sử dụng trong thuốc trừ sâu diệt côn trùng và thuốc xông hơi cho các loại gia vị, sách, da, giấy, đồ nội thất.
Ethylene oxide cũng là một thành phần trong dệt may, chất tẩy rửa, dung môi và chất kết dính. Người tiếp xúc với Ethylene oxide nồng độ cao có thể bị co giật, liệt, hôn mê và làm tổn hại gan và thận.
Ethylene oxide có thể gây ra chấn thương hại phổi, nôn mửa, suy nhược, thiếu sự phối hợp, mất trí nhớ, tiêu chảy và tê.
Ngoài ra, hóa chất này cũng có thể gây kích ứng nghiêm trọng đến mắt, da, cổ họng, phổi thông qua đường hô hấp. Tiếp xúc lâu dài có thể gây ra vấn đề não và hệ thống thần kinh và đục thủy tinh thể, thậm chí ung thư.
Trường hợp hít phải lượng thấp của Ethylene oxide có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như trên, song mức độ thấp hơn.
Ví như, da tiếp xúc với Ethylene oxide có thể gây viêm da, mụn nước và bỏng. Ngoài ra, phụ nữ mang thai có thể bị sẩy thai và có thể làm hỏng các tuyến sinh sản nam giới.
Theo các chuyên gia công nghệ thực phẩm, Ethylene oxide rất độc với cơ thể nên bị cấm trong sản xuất thực phẩm kể cả tại Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp sử dụng Ethylene oxide để khử trùng máy móc, thiết bị.
Theo số liệu của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA), nhu cầu tiêu thụ mì gói của người dân toàn cầu tăng mạnh do tác động của COVID-19. So với năm 2019, nhu cầu của người dùng trong năm 2020 đã tăng 14,79%.
Trong đó, người Việt tiêu thụ 7,03 tỉ gói mì ăn liền, đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Indonesia.